Cái chết của Osama bin Laden đã đẩy mạng lưới Al Qaeda vào suy sụp, khó có thể đảo ngược tình thế, Mỹ cho biết hôm 31/7 trong một báo cáo nêu rõ các vụ tấn công khủng bố trong 2011 đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ 2005.


Mô tả 2011 là một "năm bước ngoặt", Mỹ cho biết, nhiều thành viên cấp cao khác của Al Qeda cũng bị tiêu diệt trong năm vừa qua, gồm cả Atiyah Abd al-Rahman - nhân vật số 2 của Al Qaeda sau khi Bin Laden bị tiêu diệt và Anwar al-Awlaki, chỉ huy chi nhánh ở Yemen.

"Sự ra đi của Bin Laden và những nhân vật chủ chốt khác đã đặt mạng lưới này vào con đường suy tàn, khó đảo ngược tình hình", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong báo cáo hàng năm về khủng bố.

Báo cáo cho rằng các vụ tiêu diệt, gồm cả vụ đột kích tháng 5/2011 trong đó đặc nhiệm Mỹ bắn chết Bin Laden ở Pakistan, là do có sự tăng cường hợp tác về chống khủng bố. Tuy nhiên, văn bản này cũng cho hay, Al Qaeda dễ thích nghi và vẫn đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng và dai dẳng.

Trong khi tuyên bố không có vụ tấn công khủng bố nào ở Mỹ trong năm 2011, báo cáo trên cho hay, chính phủ Mỹ vẫn lo ngại về những mối đe dọa với đất nước, trích dẫn âm mưu tấn công ngày giáng sinh năm 2009 của kẻ đánh bom quần lót người Nigeria, vốn lên kế hoạch cho thổi bay một chuyến bay. Âm mưu khủng bố này đã không thành công.

Báo cáo trên cũng gồm cả những thống kê do Trung tâm chống khủng bố quốc gia cung cấp, cho thấy, tổng số vụ tấn công khủng bố toàn cầu giảm từ 11.641 vụ trong năm 2010 xuống còn 10.283 vụ trong năm 2011. Số người thiệt mạng trên toàn cầu giảm từ 13.193 năm 2010 xuống còn 12.533 trong năm 2011. Các con số này được Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ công bố hôm 1/6.

Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2005 khi có hơn 11.000 vụ tấn công làm hơn 14.000 người thiệt mạng. Con số thương vong liên quan tới khủng bố đã giảm một phần là do bạo lực ở Iraq giảm.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, phần cốt lõi của Al Qaeda đã suy yếu trong khi các nhánh của nó lại mạnh lên, với việc lực lượng Al Qaeda tại bán đảo Ả rập là mối đe dọa đặc biệt. Các vụ tấn công khủng bố tăng ở châu Phi, phần lớn do nhóm Boko Haram của Nigeria tiến hành, cũng như ở tây bán cầu, do lực lượng nổi dậy FARC ở Colombia gây ra.

Daniel Benjamin, điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, năm ngoái cũng là thời điểm quan trọng với phong trào biểu tình "Mùa xuân Ả rập" và ông này mô tả đó là sự cự tuyệt với hệ tư tưởng của Al Qaeda.

  • Hoài Linh (Theo Reuters)