Từ tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo đến những tài xế phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển một phương tiện giao thông trên đường phố Việt Nam quả là một việc mạo hiểm.

TIN BÀI KHÁC:


Điều khiển một phương tiện giao thông trong giờ cao điểm tại Việt Nam quả là việc làm mạo hiểm. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là bài báo của phóng viên Bridget O'Flaherty của The Diplomat viết về tình hình giao thông tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, sự bùng phát của bệnh tả, sốt hay chân, tay, miệng không phải là hiện tượng hiếm có. Năm ngoái, dịch chân, tay, miệng đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm trẻ em. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa đáng sợ bằng giao thông - sát thủ giấu mặt.

Tai nạn giao thông là một vấn đề nan giải tại Việt Nam. Khoảng 95% phương tiện giao thông đăng ký là xe máy. Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua đi đôi với việc các chính sách giao thông và đường sá không bắt kịp sự gia tăng của các phương tiện giao thông đường bộ.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông cao.

Đã có một vài biện pháp được đưa ra để cải thiện tình hình - mặc dù tạo ra ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Ví dụ, năm 2007, luật đội mũ bảo hiểm được chính phủ giới thiệu và áp dụng trên toàn quốc vào đầu năm 2008. Tuy nhiên, nhiều loại mũ bảo hiểm đang lưu hành tại Việt Nam là loại mũ rẻ tiền, chất lượng kém và không có tác dụng bảo vệ thực sự.

Jonathan Passmore thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội đã làm việc nhiều năm về vấn đề an toàn giao thông ở Việt Nam. Ông ước tính có khoảng 80% mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.

"Vì thiếu thông tin về dữ liệu chính thức nên chúng tôi không thể xác định tác động của luật mũ bảo hiểm năm 2007 đối với tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông gây ra," The Diplomat trích lời Passmore.

Tuy nhiên, Passmore thừa nhận rằng có mối liên hệ tích cực giữa luật ban hành và sự giảm thiểu con số thương vong trong những năm gần đây. Ông cũng hy vọng rằng số liệu đưa ra vào cuối năm nay sẽ có thấy dấu hiệu tích cực hơn.

Mặc dù vậy, luật mũ bảo hiểm sẽ không thể giải quyết tất cả tình trạng giao thông tại Việt Nam. Nhiều người điều khiển giao thông vẫn lờ đi các luật lệ mặc dù biết mình đang vi phạm. Đó là hiện tượng phổ biến, nhiều người vẫn cố tình đi ngược đường trên đường một chiều để không phải đi vòng.

Theo Passmore, phóng nhanh, vượt ẩu và uống rượu lái xe cũng là nguyên nhân góp phần khiến số người tử vong vì tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao, nhưng rất khó để xác định tình trạng này phổ biến như thế nào khi rất ít dữ liệu được đưa ra. Tại Việt Nam, nồng độ cồn trong máu cho phép là 0,08%. Mặc các luật mới được ban hành nhằm vào những lái xe có hơi men nhưng việc thực thi xem ra vẫn rất kém.

Tình trạng giao thông ở Việt Nam lại được bàn tán sôi nổi khi một người Mỹ từng sống ở Hà Nội nhiều nằm dũng cảm xuống đường chặn các phương tiện vi phạm hoặc đi sai đường. Việc làm của ông đã được sự cho phép của cảnh sát địa phương trong khi toàn bộ quá trình này đã được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại. Đoạn clip đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý trên mạng và được dịch sang tiếng Anh.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều, một số người tin rằng là một người khách ở Việt Nam, ông ấy cứ để mặc tình trạng hỗn loạn như vậy. Tuy nhiên, những người bản địa lại nhìn nhận tích cực hơn, họ cho rằng việc làm của "ông Tây" trên là rất đáng trân trọng khi tình hình giao thông ở Việt Nam đang trở nên tồi tệ và ngày càng nhiều người lái xe ẩu.

Sầm Hoa (Theo thediplomat)