Trong mùa thu này, Mỹ và Israel sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung phòng thủ tên lửa đạn đạo trước đó đang bị hoãn để thể hiện quan hệ quân sự khăng khít giữa hai đồng minh.

Phòng thủ tên lửa của Israel
Cuộc tập trận này có tên Austere Challenge 12 là cuộc tập trận chủ chốt, với các đợt huấn luyện quan trọng cho quốc phòng của cả hai quốc gia. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc là George Little cho biết trong buổi họp báo: cuộc tập trận này "là dấu hiệu xác thực minh chứng cho sự tin tưởng và phòng thủ lẫn nhau giữa hai quốc gia".

Cuộc tập trận này do Bộ Quốc phòng Israel đề xuất và sau đó bị hoãn từ tháng Năm sang cuối mùa thu này. Đây là tập trận chung lớn nhất giữa hai quốc gia.

"Phạm vi tập trận sẽ không đổi và sẽ bao gồm các loại hệ thống tương tự như đã lên kế hoạch. Tất cả mọi hệ thống triển sẽ sẽ được vận hành toàn diện với các hệ thống điều khiển đi kèm, bao gồm cả đánh chặn tên lửa" - ông George Little nói thêm.

Số binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận sẽ ít hơn so với kế hoạch ban đầu vì các hoạt động tác chiến khác đã được lên kế hoạch bị trùng với khung thời gian của họ. Ông Little nhấn mạnh thêm rằng quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Israel đang khăng khít hơn bao giờ hết.

Cuộc tập trận phòng thủ tên lửa nhằm chặn đứng một cuộc tấn công bằng tên lửa giả định của Iran. Israel vẫn luôn cảnh báo rằng họ có thể sẽ phải sử dụng đến vũ lực để ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. Những lời đe dọa này dấy lên lo ngại rằng Tel Aviv có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự đơn phương nhằm vào Tehran.

Do tình hình chính trị và can dự quân sự khó lường nếu như tấn công Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã đề cập tới việc tăng cường trừng phạt kinh tế Iran để gây sức ép buộc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Để 'đón đầu' một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran, mới đây có thông tin cho rằng Washington còn đang cân nhắc đến việc tiến hành một cuộc chiến tranh trên mạng để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Đồng thời, Mỹ làm việc với các quốc gia vùng Vịnh để thiết lập nên một lá chắn tên lửa trong khu vực bằng cách hợp nhất các hệ thống chống tên lửa có trụ sở tại sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, bao gồm Bahrain, Cô-Oét, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập.

  • Lê Thu (theo THX)