Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra hải quan với hàng Nhật tại các cảng, nhiều công ty hôm 21/9 cho hay. Dường như, bất đồng ngoại giao về quần đảo tranh chấp đã lan sang quan hệ thương mại hàng tỷ USD giữa hai nước.


Một siêu thị Nhật ở TQ đóng cửa

Động thái trên diễn ra sau khi truyền thông quốc gia Trung Quốc cảnh báo trừng phạt kinh tế đối với việc Tokyo quốc hữu hóa một số đảo thuộc chuỗi đảo tranh chấp giữa hai nước là Senkaku/Điếu Ngư.

"Chúng tôi nhận được thông tin từ các nhân viên ở Trung Quốc rằng một số sản phẩm Nhật khi cập cảng Trung Quốc phải trải qua các thủ tục hải quan gắt gao", Tsutomu Suehara, phát ngôn viên công ty giao dịch Sojitz của Nhật cho hay. Tuy nhiên, người này nói thêm, "Điều đó không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi".

Hải quan Trung Quốc cũng có những hành động tương tự vào năm 2010 khi quan hệ hai nước xấu đi sau khi một ngư dân nước này. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu với khoáng sản đất hiếm - một thành phần sống còn được dùng trong các sản phẩm công nghệ cao, từ tivi màn hình phẳng tới xe ô tô hybrid. Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 95% thị trường đất hiếm toàn cầu.

"So với năm 2010, khi mọi sản phẩm của Nhật trở thành mục tiêu, thời điểm này, các mặt hàng bị ảnh hưởng ít hơn nhiều", ông Suehara nói. Hàng hóa của Sojitz bị kiểm tra chặt hơn tại các cảng Thiên Tân và Thanh Đảo.

Một công ty thương mại khác của Nhật là Itochu cho hay, họ đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra hải quan. Một phát ngôn viên Itochu cho hay: "Chúng tôi được biết việc kiểm tra hàng hóa từ Nhật đã được thắt chặt ở Thiên Tân, Thanh Đảo và nhiều cảng lớn khác".

Công ty vận tải MOL Logistics cho biết trong một thông báo rằng việc tăng cường kiểm tra hải quan là do quan hệ Trung Nhật đang xấu đi.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc tăng kiểm tra hải quan, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Yukio Edano nói, ông mong Trung Quốc sẽ cư xử theo những quy định quốc tế. "Chúng tôi đang thu thập thông tin và cố xác nhận nó. Chúng tôi sẽ có biện pháp thích hợp dựa trên tình hình".

Bất chấp thương mại hai chiều trị giá 342,9 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu Trung Quốc, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn trục trặc và có nhiều vướng mắc do những bất đồng về lãnh thổ và vấn đề quá khứ.

  • Hoài Linh (Theo Asia1)