Vì các giáo sĩ Hồi giáo ở Pakistan biểu tình phản đối một bộ phim chống đạo Hồi được làm ở Mỹ, xưởng in ấn của Naveed Hider phải hoạt động vượt công suất, nhằm cung cấp hàng trăm lá cờ Mỹ cho những người phản đối đốt ở các cuộc biểu tình.



Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ ở Pakistan nhằm phản đối bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" đã làm hơn 20 người thiệt mạng và gây hư hại nghiêm trọng tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, với Haider, sự việc trên khiến kinh doanh của anh ta rất phát đạt.

Khi cuộc vận động chống bộ phim Mỹ bắt đầu, "tôi biết ngăn kéo chứa tiền bắt đầu rung lên", viên quản lý xưởng in Panaflex nói. Panaflex được đặt trong một tòa nhà xiêu vẹo ở Rawalpindi, thành phố sinh đôi của Islamabad đồng thời là trụ sở của quân đội.

"Mỗi khi có biểu tình, tôi kiếm tiền gấp 10 lần bình thường", Naveed nói khi đang ở trong căn phòng nhỏ xíu toàn mùi mực khi hai trục lăn liên tục in sao và vạch (cờ Mỹ).

Mỗi lá cờ Mỹ được bán với giá từ 120-1.500 rupee (1,25 - 16 USD) dựa vào kích cỡ và chất lượng. Cờ Mỹ được làm để phục vụ các cuộc biểu tình trong những tuần qua nhằm chống bộ phim nhạo báng nhà tiên tri Muhammad và Haider rất vui mừng khi sản phẩm của anh bán chạy trong những ngày qua.

Sự bùng nổ trên thị trường quốc kỳ đi kèm với làn sóng bài Mỹ tăng đột ngột ở Pakistan, vốn bị méo mó do bạo lực Taliban và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ kể từ khi Pakistan gia nhập cuộc chiến chống khủng bố của Washington vào cuối năm 2001.

Những sự kiện như vậy đã khiến Mỹ thay cho Ấn Độ, trở thành kẻ thù số 1 của công chúng Pakistan, ít nhất là theo những nhà sản xuất cờ.

"Đã lâu lắm rồi kể từ khi tôi bán cờ Ấn Độ", chủ một cửa hiệu tên là Nadeem Mahmood Shah nói khi nhiều người kéo nhau vào cửa hàng của người này ở Rawalpindi để mua tích trữ cờ Mỹ.

Tại cửa hàng của Shah, với 1.500 rupee, bạn có thể mua được một lá cờ Mỹ bằng vải rộng 3m vuông với lời đảm bảo, rất bắt lửa - mối quan tâm chính của những người biểu tình.

Với Asim, một nhân viên phục vụ tại một quán hải sản thì đốt cờ Mỹ đã trở thành phần then chốt trong bất kỳ cuộc biểu tình nào. Trong một tháng, Asim đã đốt 4 lá cờ Mỹ. "Điều đó khiến tôi vui sướng", chàng trai 22 tuổi này kể. "Đó không phải là tội ác mà là một cách thể hiện như những người khác".

Các cuộc biểu tình phản đối bộ phim châm biếm đạo Hồi khiến hơn 50 người trên toàn thế giới Hồi giáo thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình đầu tiên bùng phát vào 11/9. Pakistan chứng kiến bạo lực tồi tệ nhất khi các cuộc biểu tình toàn quốc có sự góp mặt của hơn 45.000 người vào tháng 9. Riêng tại Pakistan, có 21 người thiệt mạng, 229 người bị thương trong các cuộc biểu tình, phần lớn là do đụng độ với cảnh sát.

Jamaat-e-Islami, một trong những đảng phái tôn giáo lớn nhất Pakistan, đã cung cấp cho các thành viên cờ Mỹ và Israel để "họ có thể bày tỏ sự tức giận", Sajjad Abbas, một quan chức đảng này ở Islamabad nói.

  • Hoài Linh (Theo AsiaOne)