Chiều hướng của một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể thay đổi trong trong một giây trên sân khấu. Dưới đây là những khoảnh khắc trong tranh luận tạo nên bước ngoặt.


Kennedy - Nixon (1960): Cuộc tranh luận đầu tiên

Trong cuộc tranh luận ứng viên Tổng thống được truyền hình đầu tiên, khi đó Thượng nghị sĩ John F Kennedy chứng minh được sức mạnh của "thị giác" bằng cách đẩy phó Tổng thống lúc đó là Richard Nixon ra rìa, làm cho Nixon gần như chỉ là hiện diện tại cuộc tranh luận.

Dù cả hai ứng viên đều thể hiện tốt trong cuộc tranh luận song Kennedy nhìn trông khá hơn do có trang điểm trong khi Nixon từ chối. Ngoài ra, Kennedy mặc một bộ lễ phục màu xanh nhìn đẹp hơn bộ đồ màu xám nhạt của Nixon khi cả hai xuất hiện trên tivi đen trắng.

Có chút lợi thế trong các cuộc thăm dò, Kennedy đã dẫn trước. Nixon cố gắng thay đổi trong các cuộc tranh luận sau nhưng thiệt hại không thể sửa chữa. Kennedy không bao giờ đánh mất lợi thế đã có.

Ford - Carter (1976): Liên Xô không thống trị Đông Âu

Có lẽ là trong khoảnh khắc được coi là kỳ lạ nhất trong lịch sử tranh luận của ứng viên Tổng thống, đương kim Tổng thống, người có triển vọng thành công Gerald Ford đã có một phát biểu sai lớn tới mức khiến ông này bị cho là thua cuộc.

Đáp lại câu hỏi về sự ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa cộng sản ở Pháp và Italia, ông Ford khẳng định: "không có chuyện Liên Xô thống trị Đông Âu và sẽ không bao giờ như vậy".

Khi người điều hành cuộc tranh luận bối rối hỏi lại cho rõ, Ford lại lặp lại rằng các nước trong Hiệp ước Warsaw như Ba Lan và Romania là "tự trị", không chịu ảnh hưởng của Liên Xô.

Reagan - Carter (1980): Ông lại thế nữa rồi

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1980, chỉ có một cuộc tranh luận và Ronald Reagan tỏ ra rất thoải mái trước máy quay.

Khi Tổng thống Jimmy Carter gọi Thống đốc Reagan là người phản đối chính sách y tế, Reagan đã tự tin cười nhạo cuộc tấn công và nói "ông lại thế nữa rồi" trước khi bác bỏ điều đó.

Chỉ với một cụm từ, Reagan đã thắng trong cuộc tranh luận. Câu nói đó đã chế nhạo Tổng thống cùng lúc phủ nhận cáo buộc.

Reagan - Mondale (1984): Trẻ và thiếu kinh nghiệm

Như đã từng chống lại Carter vào năm 1980, Reagan tỏ ra thoải mái trước cử tọa và thể hiện khiếu hài hước trong cuộc tranh luận vào năm 1984 với đối thủ Walter Mondale

Lúc đó, đã 73 tuổi, Reagan là Tổng thống già nhất trong lịch sử Mỹ và một số người tỏ ý nghi ngờ về việc liệu ông có đủ khỏe để dẫn dắt dắt đất nước trong thời kỳ khủng hoảng không. Khi được hỏi về vấn đề này, Reagan nói, ông không nghi ngờ gì về sự khỏe mạnh của mình và còn hứa sẽ không dùng sự "trẻ trung và thiếu kinh nghiệm" của đối thủ để chống lại mình.

Mondale, 56 tuổi, cũng phải bật cười. Sau này, Mondale nói, ông biết là chiến dịch tranh cử của mình đã chấm dứt từ đó.

Clinton - Bush (1992): Nợ quốc gia ảnh hưởng tới cá nhân bạn như thế nào?

Trong cuộc tranh luận năm 1992, Tổng thống Bush và Thống đốc Clinton được cử tọa hỏi, suy thoái ảnh hưởng tới cá nhân họ như thế nào.

Bush cố gắng trả lời cho câu hỏi trên, ban đầu là nói về các cháu và cuối cùng tuyên bố là thật không công bằng khi cho rằng ông không hiểu gì về suy thoái chỉ vì nó không ảnh hưởng trực tiếp tới ông.

Clinton đã chộp lấy phản ứng yếu ớt này, nghiêm túc liên hệ suy thoái với thời gian ông làm Thống đốc của một bang nhỏ. Theo đó, "khi mọi người mất việc, đó là cơ hội tốt để tôi biết tên tuổi họ", Clinton nói.

Sự đồng cảm của Clinton đối lập với câu trả lời mang tính chống chế của Bush đã góp phần củng cố sự không hài lòng của dân chúng với đương kim Tổng thống.

  • Hoài Linh (Theo Telegraph)