Tổng thống Barack Obama và đối thủ phe Cộng hòa Mitt Romney, sáng nay (23/10, giờ VN), đã thách thức nhau về chính sách ngoại giao trong cuộc tranh luận lần 3 và cũng là cuối cùng của họ trong bối cảnh chiến dịch tranh cử chỉ còn 2 tuần nữa.

TIN BÀI KHÁC:



Cuộc tranh luận lần 3 của hai ứng viên Tổng thống Mỹ tập trung vào chính sách đối ngoại.

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút diễn ra tại Đại học Lynn, Boca Raton, bang Florida. Đây là cơ hội lớn cuối cùng của cả hai ứng viên nhằm giành sự ủng hộ của hàng triệu cử tri, đặc biệt là khoảng 20% số người vẫn còn chưa đưa ra quyết định cho lá phiếu của mình vào ngày 6/11.

Ngay từ đầu cuộc tranh luận, ông Romney đã công kích chính sách ngoại giao của đối thủ, nói rằng chiến lược của Tổng thống không dập tắt được mối đe dọa al-Qaeda. Obama phản pháo rằng "lãnh đạo nòng cốt của al-Qaeda đã bị tiêu diệt". Ông cũng tìm cách mô tả Romney như một người sẽ là một lãnh đạo do dự trên trường quốc tế.

Romney cho rằng Tổng thống yếu kém về vấn đề Iran. Trước đó ông cùng với các thành viên Cộng hòa khác công kích chính quyền Obama về cách thức xử lý vụ tấn công khủng bố ở Libya.

Obama cáo buộc Romney đã phát đi các tín hiệu lẫn lộn với các đề xuất chính sách đối ngoại của ông về Trung Đông và Nga.

Đang cố giành lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận, Obama và Romney đã tranh cãi nảy lửa ngay từ đầu cuộc tranh luận. Obama nói rằng ứng viên Đảng Cộng hòa - bằng cách tuyên bố Nga là một "kẻ thù địa chính trị" của Mỹ - muốn đưa Mỹ trở lại một vị trí thời Chiến tranh Lạnh.

"Chiến tranh lạnh đã qua 20 năm rồi", ông Obama nói, hướng vào Romney khi họ ngồi ở bàn trước người dẫn chương trình Bob Schieffer.

"Thống đốc, khi nói tới chính sách ngoại giao của chúng ta, ông dường như muốn thực hiện các chính sách hồi những năm 1980, cũng giống như việc ông muốn áp dụng các chính sách xã hội của những năm 1950 và các chính sách kinh tế của những năm 1920", Obama giễu cợt.

Trung Đông và Bắc Phi

Romney, không muốn mắc phải sai lầm nào có thể ảnh hưởng đến uy tín đang lên của mình, nhấn mạnh rằng các chính sách của Obama hướng tới Trung Đông và Bắc Phi sẽ không ngăn được mối đe dọa từ al-Qaeda trỗi dậy trong khu vực. 

Romney cũng công kích nước Mỹ dưới quyền của Obama đã cho phép "sự hỗn loạn trỗi dậy" và quét qua vùng Trung Đông. 

Ứng viên Cộng hòa đặt câu hỏi về phản ứng của Obama đối với Mùa xuân Ảrập và lập luận rằng những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự đảo ngược khá ngoạn mục trong những kiểu hy vọng mà chúng ta đã có về khu vực". 

Ông kêu gọi một "chiến lược toàn diện và mạnh mẽ" để giúp "thế giới Hồi giáo và các phần khác của thế giới, loại bỏ chủ nghĩa cực đoan bạo lực cấp tiến này". 

"Với Mùa xuân Ảrập, đã có rất nhiều hy vọng rằng sẽ có một sự thay đổi hướng tới điều độ hơn, và cơ hội cho một sự tham dự nhiều hơn về vai trò của phụ nữ trong đời sống công cộng, và trong đời sống kinh tế ở Trung Đông", ông nói. "Nhưng thay vào đó, chúng ta đã chứng kiến ở hết nước này đến nước khác một loạt các sự kiện náo động. Tất nhiên, chúng ta thấy ở Syria, 30.000 dân thường đã chết bởi quân đội ở đó. Chúng ta thấy ở Libya, một cuộc tấn công dường như là, tôi nghĩ chúng ta giờ đây đều biết, bởi những kẻ khủng bố kiểu nào đó chống lại người dân của chúng ta ở đó, 4 người đã chết". 

Tuy phản đối Mỹ can thiệp trực tiếp vào Syria, Romney vẫn cho rằng Washington phải làm nhiều hơn thế để chấm dứt bạo lực và hạ bệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Về phần mình, Obama cho biết, bạo lực ở Syria khiến ông đau lòng và "đó là lý do tại sao chúng ta phải làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng chúng ta đang giúp phe đối lập. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng hành động quân sự vào Syria là bước đi cần phải suy xét thận trọng". 

Obama cáo buộc đối thủ của ông có đường lối không nhất quán về Iraq và Afghanistan, có thể dẫn tới "bộ máy lãnh đạo sai trái và thiếu trách nhiệm" ở những nơi này. Ông cũng cáo buộc Romney cổ suy cho việc tiếp tục duy trì quân đội ở Iraq, phản đối các hiệp ước hạt nhân với Nga dù các hiệp ước này được cả hai chính đảng ủng hộ, và rằng ông đã đổi ý liên quan tới việc liệu Mỹ có nên vạch ra thời hạn cụ thể cho việc rời khỏi Afghanistan hay không. 
 
"Điều chúng ta cần làm, với sự tôn trọng đối với Trung Đông, là một sự lãnh đạo mạnh mẽ, vững vàng, không phải sự lãnh đạo sai trái và bất cẩn đang đầy rẫy ra trên khắp bản đồ" - Obama nói.
 
Romney phản pháo rằng Obama đã "có chuyến công du xin lỗi" tại vùng Trung Đông khi nắm quyền và khiến Mỹ trông yếu ớt.

Hạt nhân Iran

Đây sẽ là lần cuối người Mỹ nghe, và xem 2 ứng cử viên thách thức nhau về những khác biệt trong chính sách của họ trên một diễn đàn.

Romney xác định mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với Mỹ là thách thức hạt nhân từ Iran trong khi Obama cho rằng đó là mạng lưới khủng bố.

Liên tục trở lại mối đe dọa hạt nhân ở Iran, Romney lập luận rằng nước này "chỉ còn 4 năm nữa là đạt được một vũ khí hạt nhân" và ông Obama đã "lãng phí" bốn năm qua.

Trong khi đó, Obama lập luận rằng các đòn trừng phạt mà chính phủ ông áp đặt lên Iran đang phát huy tác dụng, đưa nước này tới "điểm yếu nhất về kinh tế, chiến lược, quân sự trong nhiều năm qua". 

"Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không có được một vũ khí hạt nhân", ông tuyên bố. 

Israel

Mitt Romney cáo buộc Tổng thống Barack Obama đã bỏ rơi các đồng minh truyền thống là Israel và Ba Lan, đồng thời hứa rằng ông sẽ bênh vực họ.

"Chúng ta phải đứng bên các đồng minh của mình. Tôi nghĩ rằng căng thẳng tồn tại giữa Israel và Mỹ là điều hết sức không may", Romney nhìn nhận. "Tôi nghĩ rằng rút chương trình lá chắn tên lửa khỏi Ba Lan như cách ta đã làm cũng là điều không may mắn, bởi nó phá hỏng mối quan hệ đã tồn tại giữa hai nước".

Ba Lan, vốn đã trở thành thành viên NATO kể từ khi rút khỏi Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu, đã tỏ ra sốt sắng trong việc muốn Mỹ đưa tên lửa đánh chặn tới nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã hủy bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa này do sức ép từ Nga.

Tuy nhiên, t
ổng thống và đối thủ của ông ít ra cũng nhất trí về vấn đề an ninh của Israel, một chủ đề quốc tế có ý nghĩa chính trị trong nước, khi họ ngồi tranh luận. Mỗi người nhấn mạnh sự ủng hộ chắc chắn dành cho Israel khi được hỏi ông sẽ phản ứng thế nào nếu nhà nước Do Thái bị tấn công bởi Iran.

"Nếu Israel bị tấn công, chúng ta sẽ hỗ trợ họ", Romney nói sau khi ông Obama cam kết "Tôi sẽ sát cánh với Israel nếu Israel bị tấn công". 

Trung Quốc

Về Trung Quốc, Romney tiếp tục nhắc lại tuyên bố của mình rằng nếu trúng cử, ông sẽ chỉ rõ Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu nhậm chức, bất chấp nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai bên. Ông nhấn mạnh: "Chuyện này không thể tiếp diễn. Tôi muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Trung Quốc có thể là đối tác của chúng ta song điều đó không có nghĩa là họ có thể qua mặt và ăn cắp công việc của chúng ta một cách không công bằng".
 
Về phần mình, Obama tập trung vào khía cạnh quân sự với Bắc Kinh, nhắc lại kế hoạch hướng tới châu Á - Thái Bình Dương của ông. "Chúng ta tin Trung Quốc có thể là một đối tác song chúng ta cũng gửi tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, rằng chúng ta sẽ hiện diện ở đó. Chúng ta đang hợp tác với các quốc gia trong khu vực để đảm bảo tàu thuyền có thể đi lại qua đó'.

"Sức mạnh" với Nga  

Về Nga, ông Romney chỉ trích Obama về một bình luận riêng mà vẫn bật microphone với Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev, rằng ông sẽ "linh hoạt" hơn sau cuộc bầu cử 6/11. 

Thay vì thể hiện cho Tổng thống Vladimir Putin thấy một sự linh hoạt hơn, Romney tuyên bố "Tôi sẽ cho ông ấy thấy nhiều sức mạnh hơn".

Hải quân

Về quy mô của hải quân Mỹ, hai ứng viên cũng có những tranh luận rất quyết liệt. Romney tiếp tục quan điểm Hải quân cần phải được mở rộng quy mô và cho rằng lực lượng này đã bị thu nhỏ chưa từng có kể từ đầu thế kỷ 20.

Obama đáp trả lập tức: "Chẳng hạn, ông đề cập tới hải quân và cho rằng chúng ta có ít tàu chiến so với năm 1916. Ồ, thưa thống đốc, chúng ta cũng có ít ngựa và lưỡi lê hơn vì bản chất quân đội chúng ta đã thay đổi. Chúng ta có những thứ được gọi là tàu sân bay, nơi các chiến đấu cơ đậu trên đó. Chúng ta có những chiếc tàu hoạt động dưới nước, những tàu ngầm hạt nhân. Vậy vấn đề không phải là trò chơi chiến hạm để chúng ta cùng đếm tàu với nhau. Vấn đề là khả năng của chúng ta tới đâu?", Tổng thống Mỹ nói châm chọc trong tiếng cười ồ của khán giả.

Về vị thế của nước Mỹ, Romney cho rằng vai trò của Mỹ là "làm cho thế giới yên bình hơn" và để là vậy thì "nước Mỹ phải mạnh mẽ. Nước Mỹ phải dẫn đầu".
 
"Đề điều đó thành sự thật, chúng ta phải tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế trong nước. Bạn không thể có 23 triệu người chật vật tìm việc làm. Bạn không thể có một nền kinh tế mà trong 3 năm qua tiếp tục giảm tỷ lệ tăng trưởng", ông nói.
 
Obama đáp lại rằng bởi vì ông chịu trách nhiệm kết thúc cuộc chiến ở Iraq, bắt đầu tiến trỉnh rút khỏi Afghanistan và thắt chặt quan hệ đồng minh với các đối tác ở nước ngoài, đất nước này đang ở một vị thế "bắt đầu tái thiết nước Mỹ".

Phần kết đẹp


Tuy cuộc tranh luận diễn ra khá gay gắt nhưng lại kết thúc với hình ảnh đẹp: gia đình và người thân của hai đối thủ cùng lên sân khấu, trao cho nhau những cử chỉ lịch thiệp. Hai ứng viên sau đó cùng người thân đi bắt tay các cử tri.

Theo kinh nghiệm từ các kỳ bầu cử trước ở Mỹ, chính sách đối ngoại không được xem là yếu tố quyết định do các cử tri coi kinh tế là vấn đề số 1.

Một cuộc thăm dò do Đài Truyền hình CNN thực hiện sau cuộc tranh luận lần trước cho thấy Tổng thống Obama dẫn trước ông Romney chút ít, với 49% đối tượng được hỏi cho rằng Tổng thống Obama có khả năng hơn về mặt chính sách đối ngoại so với 47% tin rằng ông Romney có khả năng hơn trong lĩnh vực này.

Thanh Hảo (Theo Reuters, CBS News, BBC, LA Times)