Chỉ còn một tuần nữa là chuyển giao quyền lực tại cường quốc toàn cầu đang trỗi dậy, các chuyên gia cho rằng các lãnh đạo kế cận của Trung Quốc có thể vẫn giữ chính sách của người tiền nhiệm đối với ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người được cho là sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chèo lái Trung Quốc thời gian tới.
Giới quan sát hầu như chưa thấy có động tĩnh gì về chính sách của ông Tập Cận Bình - người hầu như chắc chắn trở thành Chủ tịch kế tiếp của Trung Quốc - đối với Bình Nhưỡng.

Phần lớn trong số họ cho rằng chính quyền Bắc Kinh vẫn muốn duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng để tránh các hành động khiêu khích, xúc tiến hợp tác kinh tế hơn nữa và cố gắng thuyết phục Triều Tiên theo hướng cải cách kinh tế.

"Tôi không nghĩ là có thể nói trước được điều gì về một sự thay đổi trong chính sách dưới thời ông Tập trừ khi có những thay đổi rất lớn trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.

Theo quan điểm của tôi, thậm chí Triều Tiên có tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba đi chăng nữa thì chính sách của Trung Quốc cũng không có thay đổi gì lớn" - nhận định của Bonnie Glaser, trưởng nhóm nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington.

"Phía Trung Quốc hiện đang tìm cách xúc tiến cải cách kinh tế tại Triều Tiên, để củng cố quan hệ với Triều Tiên và có thể tăng tầm ảnh hưởng và đòn bẩy của Trung Quốc, và đảm bảo rằng Triều Tiên vẫn ổn định. Những việc làm này đều đang duy trì các quyền lợi".

Ngày 8/11 tới đây, ông Tập hầu như chắc chắn sẽ đứng vào vị trí chèo lái đất nước cùng với một thế hệ lãnh đạo mới. Từ năm 2007, ông Tập đã phụ trách nhóm phụ trách đưa ra quyết định về chính sách đối ngoại của Đảng, do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trực tiếp đứng đầu.

Rộng hơn nữa, Trung Quốc được dự đoán là sẽ thực hiện các nỗ lực để thúc đẩy những tuyên bố của mình trên trường quốc tế và duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Chính sách đối ngoại của chính quyền ông Tập có thể sẽ tập trung vào việc ganh đua với Washington, nhất là khi Nhà Trắng đang có chiến lược tái cân bằng ở châu Á mà Bắc Kinh vốn dĩ không thấy dễ chịu.

Điều này cũng đồng nghĩa là Trung Quốc vẫn muốn duy trì vị thế tại Triều Tiên như là một 'tiền đồn' trước ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

"Chiến lược hướng Á của Mỹ đóng vai trò như một nhân tố khiến Bắc Kinh càng khó từ bỏ Bình Nhưỡng hơn" - phân tích của Kang Jun-young, một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Hankuk tại Seoul.

"Dù hay hay dở thì đây vẫn là một lựa chọn chiến lược. Điều này có thể sẽ khó tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Trung Quốc nhưng lãnh đạo mới có thể sẽ áp dụng một quan điểm thực tế hơn và thay đổi theo hướng đảm bảo duy trì ảnh hưởng lên kinh tế Triều Tiên hơn là hỗ trợ về mặt quân sự" - ông Kang nói.

Bình Nhưỡng có thể sẽ có lợi từ hiện trạng đó. Trong bối cảnh bị cô lập với cộng đồng quốc tế, quan hệ được thúc đẩy về mặt kinh tế với Bắc Kinh sẽ giúp cho Bình Nhưỡng rất nhiều, thông qua thương mại, đầu tư và các dự án công nghiệp chung.

Giới quan sát đặt ra giả thiết rằng Triều Tiên có thể sẽ được truyền cảm hứng để cải cách kinh tế, và trong đó Trung Quốc sẽ đóng vai trò thúc đẩy bằng cách cung cấp nhiên liệu, vốn và các nguồn lực thiết yếu khác.

"Quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã được vun đắp từ các thế hệ lãnh đạo trước đó của cả hai nước và được gắn kết bằng máu của nhân dân hai nước" - hãng Tân Hoa Xã trích lời ông Tập Cận Bình khi trao đổi với cố lãnh đạo Kim Jong Il trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập với tư cách là Phó Chủ tịch Trung Quốc tới Bình Nhưỡng năm 2008.

"Nhân dân hai nước luôn thấu hiểu, đồng cảm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau" - ông Tập nói thêm rằng mối quan hệ này "bất biến và trường tồn trước mọi sự biến đổi của thế giới".

Bên cạnh những biến động trong khu vực là các cuộc bầu cử đang chuẩn bị diễn ra tại Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản - các quốc gia này đều là thành viên của nhóm diễn đàn đa phương nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đại hội Đảng của Trung Quốc lần thứ 18 sẽ diễn ra chỉ hai ngày sau khi Mỹ bầu cử Tổng thống mới. Sang tháng 12, Hàn Quốc sẽ có một Tổng thống khác thay thế lãnh đạo bảo thủ có xu hướng 'diều hâu' Lee Myung-bak với hy vọng có thể cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Còn Nhật Bản có khả năng sẽ có một thủ tướng có xu hướng dân túy hơn hiện tại trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.

Các lo ngại dấy lên xung quanh các cuộc đàm phán sáu bên về chính sách hợp tác có thể cam go hơn nếu như ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng hòa làm ông chủ Nhà Trắng. Romney vẫn coi Triều Tiên là một 'quốc gia bất hảo' và tuyên bố gọi Trung Quốc là quốc gia 'thao túng tiền tệ'.

Còn tại châu Á, Bắc Kinh muốn làm việc với Seoul - đồng minh của Mỹ - nhiều hơn để giải quyết các vấn đề Triều Tiên và thúc đẩy trao đổi kinh tế.

Một yếu tố nữa cần nhắc tới là các cuộc tranh cãi gần đây giữa Bắc Kinh và Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản và Hàn Quốc căng thẳng về quần đảo Dokdo/Takeshima.

Giáo sư Yoon Duk-min của Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc tại Seoul phân tích: Tất cả những yếu tố này khi kết hợp lại với nhau, bối cảnh chính trị thay đổi chưa từng thấy trong khu vực và trên thế giới cùng lúc có thể mang lại sự thay đổi về mặt nền tảng đối với quan hệ đối tác kéo dài nhiều thập kỷ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng - từ một quan hệ 'đồng minh máu mủ' hình thành nên từ thời chiến tranh liên Triều sang một khái niệm địa chính trị.

"Lợi ích của các lãnh đạo [Trung Quốc] tại Triều Tiên có thể được tái củng cố nếu như họ chọn một cách tiếp cận mang tính địa chính trị, với việc Trung Quốc thiên về hướng quyền lực chính trị và một thái độ dựa trên lợi ích nhiều hơn đối với các vấn đề, chẳng hạn như tranh chấp biển đảo".

Bonnie Glaser của CSIS nhận định rằng bất kể thăng trầm thế nào thì các động lực đa phương trong khu vực có thể sẽ trở đi trở lại với một sự pha trộn giữa hợp tác và cạnh tranh.

"Trong suốt một thời gian dài Trung Quốc hồ nghi các ý đồ của Mỹ, rất có khả năng rằng hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong các vấn đề như Triều Tiên sẽ giảm dần. Nhưng vẫn có nhiều biến động có thể tác động lên việc ra quyết định của Trung Quốc.

Nhìn chung, nếu như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đang hợp tác với nhau chặt chẽ hơn về vấn đề Triều Tiên, liệu Trung Quốc có bị sức ép hơn khi hợp tác? Trung Quốc không hề muốn bị cô lập... Tất nhiên, cách ứng xử của Triều Tiên cũng là một nhân tố rất quan trọng" - bà Glaser kết luận.

  • Lê Thu (theo The Korea Herald/Asia News Network/Asia One)