Lần đầu tiên trong lịch sử, các cử tri ở Puerto Rico ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý đưa nước này trở thành một bang chính thức của Mỹ. 

TIN BÀI KHÁC:


Một nhóm đi trên xe vẫy cờ Puerto Rico trong cuộc bầu cử ở thủ đô San Juan. (Ảnh: AP)

Đề xuất nói trên sẽ cần được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng Tổng thống Obama cho biết ông sẽ tôn trọng cuộc bỏ phiếu đó.

Puerto Rico hiện là một vùng lãnh thổ của Mỹ, sử dụng đồng đôla và người dân đi đây đó bằng hộ chiếu Mỹ. Tuy nhiên, họ không bầu các thượng nghị sĩ vào Quốc hội Mỹ và được đại diện ở Washington bởi một đại biểu không qua bầu chọn.

Gần 80% tổng số cử tri của Puerto Rico tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý, lần thứ 4 trong vòng 45 năm qua. Người dân rú còi xe inh ỏi và vẫy cờ hoa sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Trong ngày, nhiều cử tri mang ô đứng đợi dưới trời nắng chói chang.

Với gần như toàn bộ số phiếu được kiểm, xấp xỉ 54% ủng hộ thay đổi mối quan hệ của họ với Mỹ. Và khi trả lời cho câu hỏi thứ 2 về tương lai nào họ mong muốn, gần 2/3 nhất trí đưa Puerto Rico trở thành một bang chính thức.

Nếu Quốc hội Mỹ chấp nhận đề xuất này, người Puerto Rico sẽ có quyền bỏ phiếu ở mọi cuộc bầu cử Mỹ, và cũng sẽ phải trả các khoản thuế liên bang, điều mà hiện tại họ được miễn trừ. 

Puerto Rico nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ vào năm 1898 khi Tây Ban Nha để mất quần đảo này vào cuối cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha. Các mối quan hệ được tăng cường vào năm 1917 khi người Puerto Rico trở thành công dân Mỹ và được phép phục vụ trong quân đội.

Số người Puerto Rico ở Mỹ còn đông hơn ở đảo này gần một triệu người.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor, ca sĩ Jennifer Lopez và cựu nhạc sĩ nhạc Jazz Tito Puente đều có nguồn gốc Puerto Rico, mặc dù cả ba đều sinh ra tại New York. 

Các mối quan hệ giữa Puerto Rico và Mỹ rất gắn bó, và nhiều người sống ở đảo này coi việc đề xuất hợp nhất vào Mỹ là điều không tránh khỏi.

Một cử tri trẻ tuổi ở thủ đô San Juan, Jerome Lefebre, 25 tuổi, nói: "Puerto Rico phải là một bang. Không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi đang làm tốt, nhưng chúng tôi có thể làm tốt hơn. Chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn, nhiều sự giúp đỡ tài chính hơn".

Nhưng không phải ai cũng nhất trí như vậy. Cử tri Ramon Lopez de Azua, 42 tuổi, nói: "Vấn đề của Puerto Rico không phải là tình trạng chính trị. Tôi nghĩ Mỹ là nước tốt nhất trên thế giới, nhưng trước hết tôi là người Puerto Rico". 

Puerto Rico đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế hiện nay - với các khoản nợ lên tới 68 tỷ USD và thất nghiệp trên 13%. 

Tổng thống Barack Obama, người tới thăm đảo này năm ngoái, nói rằng ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của người Puerto Rico nếu có một đa số rõ ràng. Tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua. 

Trước kia, Puerto Rico tổ chức trưng cầu dân ý tương tự vào các năm 1967, 1993 và 1998, song cương vị một bang của nước Mỹ chưa bao giờ giành được đa số rõ ràng. 

Thanh Hảo (Theo BBC, Boston Globe)