Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm qua phát biểu rằng Trung Quốc nên trở thành một cường quốc biển, Tokyo đã phản hồi bằng tuyên bố rằng Bắc Kinh nên sử dụng sức mạnh về biển của mình 'một cách hòa bình'.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát biểu: "Không có gì ngạc nhiên khi nghe Trung Quốc nói về dự định tham gia các hoạt động biển. Nhưng các hành động đó nên được thực hiện một cách hòa bình dựa trên luật quốc tế".

Vài giờ sau khi Chủ tịch Hồ phát biểu trước Đại hội Đảng toàn quốc rằng Bắc Kinh nên "kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc, và xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển", Phó Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Naoko Saiki nói rằng Trung Quốc cần tỏ ra 'có trách nhiệm'.

"Cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc duy trì và củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, bao gồm cả trật tự hàng hải" - Bà Saiki nói.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".

Hiện nay, Bắc Kinh và Nhật Bản đang vướng mắc vào tranh chấp chủ quyền tại quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Tokyo gọi là Senkaku tại biển Hoa Đông.

Sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số năm đảo của quần đảo này, một loạt các cuộc biểu tình sôi sục nổ ra khắp Trung Quốc. Căng thẳng giữa đôi bên kéo dài và hiện chưa có giải pháp nào cho cuộc xung đột này. Các tàu của Trung Quốc luôn hiện diện gần khu vực biển gần quần đảo.

Khu vực quần đảo này được cho là một ngư trường lớn, giàu tài nguyên dưới lòng biển.

"Tất cả mọi quốc gia bao gồm cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều có quyền và nghĩa vụ bảo vệ các lãnh thổ hoặc lãnh hải tương ứng của họ và đảm bảo an toàn cho người dân của mình theo đúng luật quốc tế" - bà Saiki nói với các phóng viên ở Tokyo.

"Luật pháp là nguyên tắc nền tảng mà mọi và bất kỳ quốc gia nào trong cộng đồng quốc tế đều phải tôn trọng".

  • Lê Thu (theo CNA)