Triều Tiên đã triển khai thêm quân đội ở các đơn vị tiền tuyến ở ven biển phía Tây, động thái này làm cho căng thẳng tại biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc dâng cao trong bối cảnh còn một tháng nữa là Seoul tiến hành bầu cử Tổng thống.
Đường ranh giới phía Bắc phân định giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sau chiến tranh liên Triều 1950-1953. Tuy nhiên, Triều Tiên không công nhận đường ranh giới này vì nó được thiết lập đơn phương. |
Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích chính quyền hiện thời của Seoul, và nói rằng ứng viên Tổng thống Park Geun-hye của đảng cầm quyền Saenuri có thể "áp dụng lại chính sách sai lầm đối với Bắc Triều Tiên" giống như những gì mà chính quyền tại nhiệm đang làm.
Trên tờ báo Rodong Shinmun của đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng nói rằng "Nếu như chính quyền tiếp theo của Seoul có sáng kiến cải thiện quan hệ liên Triều, hợp tác kinh tế song phương sẽ trở nên tích cực toàn diện".
Các thông tin trên mặt báo cho biết trước ngày kỷ niệm 2 năm vụ nã pháo lên Yeonpyeongdo vào tháng này, Triều Tiên đã củng cố các đơn vị ven biển gần khu vực biển mà Hàn Quốc gọi là Đường Ranh giới phía Bắc.
Triều Tiên đã thiết lập một đơn vị tàu biển (loại tàu di chuyển nhờ đệm không khí), tăng cường triển khai các hệ thống hỏa tiễn và quân số, gửi thêm hai tiểu đoàn trực thăng chiến đấu và các thiết lập thêm các boong-ke ngầm ở khu vực biên giới.
Các động thái quân sự trên diễn ra nay khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các giới chức quân đội hàng đầu tới thăm các khu vực ven biển Triều Tiên và các đảo ở biên giới vài tháng trước.
Theo báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên ước tính lên tới 1,16 triệu binh lính.
Những hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng gần đường Ranh giới Phía bắc (NLL) đã dấy lên lo ngại về mặt an ninh đối với Seoul trong khi các dảng phái chính trị của Hàn Quốc đang tranh cãi về đường ranh giới thực tế trên biển với Triều Tiên.
Đảng Saenuri đã cáo buộc cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã có những tuyên bố chối bỏ NLL là đường biên giới trên biển giữa hai quốc gia trong Hội nghị liên Triều năm 2007 tại Bình Nhưỡng.
Còn đảng đối lập Dân chủ Thống nhất đã bác bỏ điều này, nói rằng đảng cầm quyền đang tìm cách sử dụng 'cơn gió Bắc' để tác động lên kết quả bầu cử.
Trên thực tế, đường ranh giới này vẫn là một chủ đề tranh cãi giữa hai miền vì Triều Tiên không công nhận NLL.
Trước thềm bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, theo các kết quả thăm dò dư luận, ứng viên Park Geun-hye của đảng cầm quyền Saenuri hiện đang dẫn trước với 42,1%. Tỉ lệ này gần cao gấp đôi so với hai ứng viên còn lại là Moon Jae-in của Đảng Dân chủ Thống nhất (DUP) với tỉ lệ 27,4 và Ahn Cheol-soo - giáo sư về điện tử - với 24,1%.
Nếu đắc cử, bà Park sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của xứ sở kim chi.
Hiện nay ông Moon và ông Ahn đã liên hiệp với nhau nhưng chưa quyết định ai sẽ đứng ra tranh cử trực tiếp với ứng viên Park Geun-hye - con gái của cựu Tổng thống Park Chung-hee. Hai ứng viên của đảng đối lập cũng được cho là có quan điểm và chính sách mềm mỏng hơn đối với vấn đề Triều Tiên.
- Lê Thu (theo Koreal Herald/CNN)