Trong khi hàng triệu người Ai Cập tham gia cuộc "Tuần hành Chiến thắng" mừng đã hạ bệ được Tổng thống Hosni Mubarak thì ở các nước khác, những người biểu tình noi gương họ đang tiếp tục phản đối chính quyền.

TIN LIÊN QUAN:


Hàng nghìn người ở Libya tiếp tục tuần hành sau khi bị chính phủ trấn áp còn ở Bahrain, cảnh sát đã bắn vào đám đông biểu tình khiến hàng chục người bị thương.  

Người biểu tình Bahrain mang quan tài của một thanh niên chết khi đụng độ với cảnh sát. (Ảnh: AP)
Ít nhất 20 ở Benghazi và 7 người ở Derna, Libya đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ - báo Oea vừa đưa tin trên website của báo này.

Theo Oea, thi thể của các nạn nhân được tìm thấy hôm 18/2. Biểu tình nổ ra ở Libya hôm 16/2 yêu cầu chính phủ phải trao thêm quyền dân sự cho người dân. Những người tham gia hô vang khẩu hiệu "Chúng tôi muốn hiến pháp", "Đối thoại chứ không giết chóc" và "Không tham nhũng". 


Người biểu tình kêu gọi chính phủ không dùng đạn thật chống lại họ và tôn trọng quyền biểu tình hợp pháp của người dân, trong khi tiếng súng vang lên ở nhiều khu vực khác  thuộc Benghazi, thành phố lớn thứ 2 ở Libya. 


Khoảng 1.000 tù nhân đã trốn khỏi một trại giam ở Benghazi. "Có một cuộc nổi loạn tại trại giam Al Kuifiya dẫn tới sự đào thoát của một số lớn các tù nhân", Ramadhna Briki - Tổng biên tập báo Quryna của Libya cho biết.

Cũng theo tin từ Oea, hôm 18/2, những người biểu tình chống chính phủ ở Libya đã treo cổ hai cảnh sát và đốt cháy một đồn cảnh sát tại thành phố Al-Baida ở phía đông đất nước.

Trong khi đó, ở Bahrain, lực lượng an ninh cũng bắn vào người biểu tình khiến hàng chục người bị thương. Ít nhất 60 người bị thương hôm 18/2 tại Quảng trường Pearl ở thủ đô Manama. Một ngày trước đó, cảnh sát đã ập vào giải tán người biểu tình nơi đây làm 4 người chết, 230 người bị thương. 

Cùng ngày, ít nhất 5 người chết ở Yemen khi lực lượng an ninh cùng những người biểu tình ủng hộ chính phủ đụng độ với đám đông phản đối Tổng thống  Ali Abdullah Saleh. 

Sự lan tỏa của làn sóng biểu tình - đặc biệt là những lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với Ảrập Xêút, nhà sản xuất dầu số 1 thế giới - đã khiến cho giá dầu thô Brent cao hơn trong tuần, trước khi giảm đi do các yếu tố khác vào ngày 18/2. 

Bất ổn ở Trung Đông cũng là một yếu tố khiến giá vàng thế giới tăng mạnh.

Thanh Hảo (Theo Reuters, THX)