Trung Đông "sốt" biểu tình, có thêm người chết

Biểu tình phản đối chính phủ đã bước sang ngày thứ 3 ở Bahrain trong khi cảnh sát và người biểu tình đụng độ ở Yemen và Libya, nước mới nhất trong khu vực bị ảnh hưởng bởi làn sóng đòi thay đổi.

Biểu tình phản đối chính phủ đã bước sang ngày thứ 3 ở Bahrain trong khi cảnh sát và người biểu tình đụng độ ở Yemen và Libya, nước mới nhất trong khu vực bị ảnh hưởng bởi làn sóng đòi thay đổi.

TIN LIÊN QUAN:

Khắp Trung Đông rúng động vì biểu tình
Xung đột, biểu tình rầm rộ tại Yemen, Bahrain
Biểu tình rầm rộ ở Iran, đã có người chết
Toàn cảnh khủng hoảng Ai Cập



Người biểu tình dựng lều trại ở Pearl Roundabout, một điểm nổi tiếng ở Bahrain thuộc trung tâm thủ đô Manama ngày 15/2. (Ảnh: Reuters) 

Ít nhất 1 người thiệt mạng khi cảnh sát Bahrain giải tán đám đông người cắm trại trong một quảng trường ở thủ đô Manama, một thành viên đối lập thuộc quốc hội nước này cho biết hôm nay (17/2).

"Một người chết. Nhiều người nữa trong tình trạng nguy kịch", đại biểu quốc hội Ibrahim Mattar nói.

Vào sớm nay, cảnh sát ở Manama đã thay đổi chiến thuật khi tập kích và dùng hơi cay giải tán những người biểu tình cắm trại ở Pearl Roundabout. Quảng trường này đã trở thành điểm tập trung của những người giận dữ trước cái chết của hai người biểu tình hồi đầu tuần.

Sau khi để mặc người biểu tình ở đó 2 ngày qua, lực lượng an ninh gồm hàng trăm cảnh sát đã ập vào vào lúc 3h30 sáng, giờ địa phương (2h30 giờ VN). 

Một người biểu tình có tên Hussein nói cảnh sát đã ập vào mà không báo trước. "Chúng tôi đang ngủ. Có cả thanh niên, trẻ em, học sinh, phụ nữ... và thình lình họ tấn công chúng tôi bằng hơi cay".

Hussein cho hay, nhiều người bị thương trong vụ tấn công và anh đã giúp đưa họ tới bệnh viện. Cảnh sát cũng có mặt ở bên ngoài các bệnh viện.  

Ebrahim Sharif, Tổng thư ký đảng đối lập Xã hội Hành động dân chủ quốc gia, kể ông nhìn thấy nhiều xe cứu thương đưa người tới bệnh viện nhưng cảnh sát ngăn không cho người biểu tình di chuyển về hướng đó. 

"Toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa", Sharif cho CNN biết qua điện thoại. "Có khoảng 500 đến 1.000 cảnh sát". 

Một giờ sau khi cảnh sát ập vào, Pearl Roundabout gần như trống trơn. Chưa rõ người biểu tình tản đi đâu nhưng hoạt động của cảnh sát cho thấy họ vẫn đang thúc ép người biểu tình tránh xa quảng trường. 

Trong khi đó tại Yemen, ít nhất 2 người biểu tình chết vì trúng đạn do đụng độ với cảnh sát ở miền nam hôm 16/2 khi làn sóng biểu tình chống chính phủ lan khắp đất nước. Thủ đô Sana'a đã chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ trong ngày thứ 6 liên tiếp.

Sự bất ổn trong khu vực cũng đã lan tới Libya. Toàn đất nước Ảrập vùng Bắc Phi này đang căng ra với "Ngày Giận dữ" 17/2, vốn được lấy cảm hứng từ làn sóng phản đối chính phủ ở Ai Cập và Tunisia.

Trước đó, có tới
14 người biểu tình bị thương trong các vụ đụng độ với cảnh sát tại thành phố Benghazi. Theo lời nhân chứng, người biểu tình ở Benghazi hô vang các khẩu hiệu đòi Thủ tướng Baghdadi Mahmoudi từ chức. Tuy nhiên, không có yêu sách nào nhằm vào nhà lãnh đạo lâu năm Mummar Gaddafi.

Thanh Hảo (Tổng hợp)
 

Tin nổi bật