Sau 8 ngày xung đột giữa Isralel và Hamas tại Gaza, nơi 5 người Israel và hơn 150 người Palestine thiệt mạng, một lệnh ngừng bắn đã được đưa ra và cuộc sống đang trở lại bình thường.

TIN BÀI KHÁC:


Cùng tìm hiểu đôi nét về cuộc sống trên Dải Gaza, một trong những khu vực đông dân nhất và cô lập nhất thế giới.

Là nơi cư trú của 1,6 triệu người, Gaza chỉ dài 40km, rộng 10km và bị bao quanh bởi Địa Trung Hải, Israel và Ai Cập.

Gaza thuộc sự quản lý của Ai Cập, hiện vẫn kiểm soát biên giới phía nam khu vực này, trước khi bị Israel chiếm đóng vào năm 1967 trong cuộc chiến kéo dài 6 ngày.

Tháng 2 năm 2005 chính phủ Israel biểu quyết áp dụng kế hoạch đơn phương rút quân của Thủ tướng Ariel Sharon khỏi Dải Gaza sau 38 năm.

Một năm sau đó, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas thắng cử ở Gaza. Tháng 6 năm 2007, Hamas nắm quyền kiểm soát toàn bộ dải đất này, vượt qua đối thủ Fatah ôn hòa hơn của lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, vốn quản lý một số khu vực ở Bờ Tây.

Israel ngay lập tức thắt chặt phong tỏa, hạn chế việc vận chuyển hàng hóa và người vào hoặc ra khỏi khu vực.

Kinh tế


Với sự phong tỏa cắt đứt mọi cơ hội mậu dịch với thế giới bên ngoài của Israel, Gaza phần lớn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và nguồn kinh tế "đường hầm".

Tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động trong độ tuổi 20-24 ở Gaza tăng 30% lên tới 58%.

Nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng nhưng bị giới hạn vì thiếu nước và các vùng an ninh do Israel dựng lên.

Ngư nghiệp tại Gaza cũng bị hạn chế. Cách đây 10 năm, ngư dân có thể ra khơi cách bờ biển 12 hải lý để đánh bắt nhưng hiện giờ chỉ được phép ra cách bờ biển 3 hải lý.

Chỉ có một phần kinh tế được coi là phát triển tại Gaza đó là kinh tế đường hầm. Hàng trăm đường hầm đã được xây dựng bên dưới đường biên giới với Ai Cập, cho phép vận chuyển hàng hóa ra và vào khu vực. Các đường hầm cũng được sử dụng để đưa vũ khí vào Gaza.

Iyad Tah là một kỹ sư phần mềm đã tốt nghiệp cách đây 3 tháng. Hiện anh đang là một thanh niên tình nguyện.

"Không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng tại Gaza," BBC trích lời Tah.

Mặc dù vậy, Tah nói rằng gia đình anh vẫn có khả năng chi trả cho những nhu yếu phẩm hàng ngày.

"Chúng tôi rất hạnh phúc khi mọi thứ vẫn yên ổn và chúng tôi đang sống một cuộc sống bình thường...Tôi từng có cơ hội để đi nước ngoài một thời gian dài nhưng lần nào tôi cũng quay về bởi đây là nơi tôi thuộc về," anh nói.

Giáo dục


Hệ thống trường học của Gaza chịu nhiều áp lực. Liên Hợp Quốc (LHQ), vốn điều hành nhiều trường học trên dải đất này, cho biết cần phải tăng thêm 440 trường học vào năm 2020 để đáp ứng được sự gia tăng dân số tại đây.

Được biết, hơn nửa dân số ở Gaza dưới 18 tuổi.

Hầu hết các lớp học đều rất rộng và có khoảng 40-50 học sinh trong một lớp. Thời gian học ở trường ít và tỷ lệ tuyển sinh vào bậc trung học thấp. Các cơ hội đào tạo và dạy nghề hầu như rất hiếm.

Tỷ lệ biết đọc chữ ở Gaza là 93% đối với phụ nữ và 98% đối với đàn ông.

Najla là một nhân viên cứu trợ tại Gaza. Cô cho biết ở đây thiếu trường học trầm trọng cũng như không đủ không gian để xây thêm những ngôi trường mới.

"Có khoảng 6 hoặc 7 trường cao đẳng và đại học ở Gaza, tuy nhiên rất hạn chế vì có nhiều người ra trường không có việc làm do thị trường quá bão hòa," Najla nói.

Dân số

Dân số Gaza được dự đoán sẽ tăng từ 1,64 triệu người hiện nay lên tới 2,13 triệu người vào cuối thập kỷ này.

Điều này cũng sẽ làm tăng mật độ dân số, vốn ở mức cao nhất trên thế giới. Trung bình, có khoảng 4.505 người sống trên 1 km vuông ở Gaza. Con số này được cho là sẽ tăng lên tới 5.835 người/km vuông vào năm 2020.

Tỷ lệ thanh niên từ 15-29 tuổi chiếm tới 53% tổng dân số, dẫn tới số người phụ thuộc ở Gaza ở mức cao.

Theo Liên Hợp Quốc, để thúc đẩy nền kinh tế đồng nghĩa với việc nhiều trẻ em sẽ phải tham gia lao động, nếu không sẽ gây ra sự căng thẳng, bạo lực và cực đoan trong xã hội.

Thực phẩm và Y tế

Phần lớn các hộ gia đình đều nhận được hỗ trợ thực phẩm từ LHQ khi không có đủ tiền để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Các hộ gia đình dành khoảng 50% thu nhập để mua thức ăn. Khoảng 30% sống dưới mức nghèo khổ.

Sự giới hạn về tiếp cận đất nông nghiệp và ngư nghiệp của Israel cũng làm tăng thêm thách thức cho Dải Gaza. LHQ cho biết nếu những hạn chế của Israel bị bãi bỏ, ngư nghiệp có thể tạo ra việc làm và mang tới nguồn protein giá rẻ cho người dân Gaza.

Người Gaza không được phép canh tác trong vùng đệm của Israel - khoảng 1.500m biên giới - và điều này dẫn tới sự sụt giảm khoảng 750.000 tấn lương thực, thực phẩm mỗi năm.

Hamada Abuqammar làm việc như một nhà sản xuất BBC tại Gaza. Phần lớn họ hàng của anh sống ở trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc dải Gaza.

Nhiều người sống sót nhờ viện trợ lương thực của LHQ, anh cho biết. "Tuy nhiên, vẫn không đủ. Họ chỉ nhận được chút bột mì, gạo và ít đồ hộp."

LHQ tin rằng thiếu ăn đã ảnh hưởng phần nào tới sức khỏe của người dân ở Dải Gaza, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ em.

LHQ cho biết trong khi chỉ số y tế ở Gaza có thể so sánh với các nước có thu nhập trung bình và cao, chất lượng vẫn cần được cải thiện. Đa số các cơ sở y tế không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc đầy đủ và cần được nâng cấp.

Năng lượng


Cắt điện là một sự cố thường ngày tại Gaza. Điện được lấy chủ yếu từ Israel cùng với nhà máy điện duy nhất ở Gaza và một số lượng nhỏ ở Ai Cập. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, vốn gia tăng với tỷ lệ 10%/năm.

Nhiều gia đình có máy phát điện riêng nhưng giá dầu rất đắt.

"Chúng tôi bị cắt điện ít nhất 8 giờ/ngày...Vào mùa đông khi nhu cầu sưởi ấm tăng, điện bị cắt thường xuyên hơn," Najla cho biết.

Ngoài khơi Dải Gaza có một mỏ dầu lớn, nơi LHQ nói rằng có thể cung cấp nhu cầu năng lượng cho cả khu vực này nếu được khai thác.

Nước và vệ sinh môi trường

Gaza có mưa nhỏ và không có nguồn nước ngọt lớn để bổ sung thêm cho nguồn nước ngầm, vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Muối từ biển thấm vào nguồn nước ngầm khiến mức độ nhiễm mặn tăng vượt mức có thể chấp nhận được dùng để làm nước uống.

Lượng nước sạch ở Gaza thấp hơn so với tiêu chuẩn toàn cầu mà WHO đưa ra là 100l/người/ngày.

Xử lý nước thải và nước cống là một vấn đề nan giải khác. Khoảng 90.000 mét khối nước rác được thải ra trực tiếp ra Địa Trung Hải mỗi ngày gây ô nhiễm môi trường, đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và các vấn đề đối với ngư nghiệp.

Giải trí


Ở Gaza có rất ít trò giải trí.

"Không có cuộc sống ở Gaza," Hamada cho biết. Nguồn vui chính ở đây là gặp gỡ người thân và bạn bè.

"Vào mùa hè, chúng tôi ra bờ biển, nấu nướng và thưởng thức các món ăn hoặc ngắm hoàng hôn và đợi cho có điện trở lại. Bạn phải tạo ra niềm vui. Điều đó không phụ thuộc vào công việc hay tiền bạc của bạn, đó là tự do và những gì bạn muốn làm trong cuộc sống của mình. Tôi chỉ hy vọng rằng được sống như một con người ở Gaza và được đối xử như một con người khi bước ra dải đất này," Hamada nói.

Sầm Hoa (Theo BBC)