Bốn cô gái đã được phát hiện trong tư thế bị treo cổ trên cây ở các ngôi
làng hẻo lánh thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ chỉ trong 2 tuần qua.
Năm ngoái Ấn Độ đã sửa đổi luật chống cưỡng hiếp và áp dụng các hình phạt nặng hơn. (Ảnh: AP)
Gia đình của ít nhất 3 người này cáo buộc họ bị giết chết sau khi bị hãm hiếp. Những vụ phạm tội như vậy không phải là mới lạ ở Uttar Pradesh.
Kẻ tấn công thường là nam giới trong cùng cộng đồng, đôi khi họ hành động tập thể. Các nạn nhân thường trốn thoát được nhưng cũng có nhiều trường hợp bị áp chế. Và không ai tới báo cảnh sát, bởi vì chính họ thường bị coi là một phần của vấn đề.
Cưỡng hiếp ngày càng trở nên phổ biến ở Ấn Độ, theo Roop Rekha Verma thuộc Sajhi Duniya (Shared World), một tổ chức chuyên hợp tác với phụ nữ có trụ sở ở thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh. Khi được hỏi tại sao những vụ tấn công tình dục lại tăng cao, Verma nói rằng đó là một "câu hỏi triệu đô".
Để ngăn chặn bạo lực nhằm vào phụ nữ sau vụ cưỡng bức và giết người tàn bạo nhằm vào một nữ sinh viên ở New Delhi tháng 12/2012, Ấn Độ đã viết lại luật chống cưỡng hiếp, thắt chặt các quy định và hình phạt, thậm chí áp cả án tử hình.
Tuy nhiên, những điều luật mới có vẻ khó thay đổi được tình hình, khi những tin tức về các vụ cưỡng hiếp tàn bạo trên cả nước vẫn liên tiếp xuất hiện gần như hàng ngày.
"Trước kia, phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà, trên cánh đồng hay ngõ sau, nhưng giờ họ có mặt ở khắp mọi chốn. Họ xuất hiện thường xuyên hơn ở nơi công cộng. Vì vậy, những tội ác như thế diễn ra ở phạm vi lớn hơn", Verma nói thêm.
Trên thực tế, việc ngày càng nhiều gia đình thông báo về tấn công tình dục bất chấp bị coi thường cũng có thể là một yếu tố. Các nhà vận động nữ quyền cho rằng, chính điều này có thể khiến cho phụ nữ dễ bị tổn thương hơn.
"Các nạn nhân bị giết chết bởi kẻ tấn công muốn xóa sổ nhân chứng chính", Verma bình luận. "Luật pháp giờ rất nghiêm và họ biết mình không thể thoát tội nếu một phụ nữ khai ra thủ phạm, khi đó có rất ít cơ hội trốn thoát".
Vậy tại sao các nạn nhân thường bị treo cổ lên cây?
Verma cho rằng, điều này có thể là cách dễ dàng nhất để bọn tấn công xóa sạch bằng chứng và làm cho án mạng giống như một vụ tự tử.
Tuy nhiên, cảnh sát và chính quyền không nhất trí với giả định này.
"Không dễ mà treo cổ được ai đó", một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở bang Uttar
Pradesh nói. "Cũng không dễ dàng hơn khi ném ai đó xuống giếng hoặc xuống sông
nếu một người muốn xóa bằng chứng".
Theo người đứng đầu khoa pháp y và chất độc tại Bệnh viện AIIMS ở Delhi, treo cổ
"nhìn chung là một cách tự tử" và "rất hiếm" khi được dùng trong án mạng.
"Để treo cổ một ai đó không dễ dàng", bác sĩ Sudhir Kumar Gupta cho biết song nói thêm rằng "trừ khi một ai đó không có khả năng tự vệ và bất tỉnh hoàn toàn".
Uttar Pradesh là bang đông dân nhất ở Ấn Độ (200 triệu người) nhưng cũng là bang thuộc diện nghèo nhất, với hơn 40% đang sống dưới mức nghèo. Cũng giống như phần lớn các nơi khác ở Ấn Độ, bang này mang đậm tính phong kiến và gia trưởng, và nữ luôn bị coi thấp kém so với nam.
Đây cũng là một xã hội bị phân rẽ sâu sắc bởi các ranh giới tôn giáo, giới tính và đẳng cấp. Các thành kiến cũng rất thâm căn cố đế.
Cách đây hai tuần, khi một mẩu tin về hai chị em gái vị thành niên bị treo cổ
lên cây xoài xuất hiện trên các trang web tin tức và truyền thông xã hội, đã có
một làn sóng tức giận nổi lên trên toàn Ấn Độ. Nó khiến nhiều người kéo tới thủ
phủ Lucknow của bang để đòi công lý.
Thanh Hảo