Hai máy bay ném bom Nga bị các chiến đấu cơ Mỹ chặn ngoài khơi bờ biển California vào đúng ngày 4/7.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


"Xin chào, các phi công Mỹ. Chúng tôi ở đây để chúc mừng các bạn nhân ngày Quốc khánh 4/7", họ đã nói như vậy, theo Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ. Và thông điệp ngày 4/7 đó không phải là đầu tiên từ các máy bay ném bom Nga.

{keywords}

Một vụ máy bay Mỹ phải 'hộ tống' máy bay ném bom Nga ở ngoài khơi bờ biển Alaska năm 2011. (Ảnh: USAF)


Cùng ngày, các chiến đấu cơ Mỹ cũng chặn 2 chiếc Tu-95 của Nga ở ngoài khơi bờ biển Alaska. Ở cả hai lần, máy bay Mỹ phải vội vã xuất kích chặn các máy bay Nga, và chúng bay đi.

Hãng tin CNN đã tìm hiểu về ý nghĩa hành động của phía Nga.

Tại sao Nga lại làm vậy?

Theo Nick de Larrinaga, Biên tập viên mảng châu Âu của Tuần báo Quốc phòng IHS Jane's, tất cả nằm trong nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin muốn tái xác nhận sự hiện diện của nước Nga trên trường quốc tế.

"Quan điểm của ông ấy là, vị thế chính trị của Nga và sự tôn trọng đi kèm đã suy giảm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh", CNN dẫn lời Nick de Larrinaga.

Biên tập viên này cho rằng, màn phô trương sức mạnh đó là một phần nỗ lực của Putin nhằm đảm bảo nước ông cần nhận được sự tôn trọng xứng đáng, đồng thời thể hiện Nga "vẫn là một cường quốc quân sự thế giới và là một sức mạnh cần được công nhận".

Đối với nghị sĩ Mỹ Adam Kinzinger, một cựu binh Không lực, "chuyến ghé thăm" của những chiếc máy bay bém bom Tu-95 cần được xem như "một hành động hiếu chiến" nhằm truyền tải ý niệm về sức mạnh của Nga.

Vậy Nga được gì?

Chuyến bay đặc biệt của Nga để nói lời chúc mừng ngày Quốc khánh Mỹ đã thu hút sự quan tâm của một số người ở Nga, nơi ông Putin đang giành được sự tín nhiệm cao độ.

Việc chặn máy bay diễn ra cùng ngày ông chủ Điện Kremlin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Tổng thống Barack Obama nhân ngày Quốc khánh Mỹ.

Và điều khá bất thường là các phi công Nga không liên lạc với máy bay chặn hoặc nhân viên kiểm soát không lưu, mà họ gửi thông điệp qua kênh liên lạc máy bay khẩn cấp. Thực tế này dường như phát đi một thông điệp đặc biệt.

Nghị sĩ Kinzinger cho biết, ông tin Tổng thống Putin đang tìm cách thử ý chí của phương Tây bằng những chuyến bay như vậy, vì nhà lãnh đạo Nga muốn thấy mình đã tiến tới đâu trước khi nhận về một phản ứng.   

Nguy cơ?

Các máy bay Nga vẫn ở không phận quốc tế, nơi họ hoàn toàn có quyền hoạt động. Nhưng chắc chắn vẫn có những rủi ro khôn lường.

Thứ nhất, đã có nhiều than phiền rằng máy bay Nga không hề bật hệ thống tiếp sóng - một nguyên nhân gây tranh cãi đặc biệt ở châu Âu, nơi bầu trời rất bận rộn, vì điều này gây nguy cơ va chạm tiềm ẩn với máy bay dân sự.

Bên cạnh đó còn có nguy cơ đâm nhau với máy bay quân sự được phái đi chặn máy bay Nga.

"Bất cứ lúc nào bạn chứng kiến máy bay quân sự của hai nước tiến đến nhau ở một khoảng cách gần mà họ không liên lạc, thì nó dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn", CNN dẫn lời Biên tập viên Nick de Larrinaga.

Ông cho biết thêm, thực tế là cả Nga và các nước khác cử máy bay đi chặn đều đã lên tiếng chỉ trích đối phương tiến đến gần một cách nguy hiểm.

Và mặc dù các phi công rất giỏi thì một cú va chạm vẫn có thể xảy ra.

Năm 2001, một máy bay do thám của Hải quân Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc đã đâm vào nhau trong một vụ chặn như vậy trên bầu trời đảo Hải Nam.

Trong khi máy bay Mỹ tuy hư hại vẫn hạ cánh khẩn cấp thành công, thì máy bay Trung Quốc bị rơi và viên phi công thiệt mạng. Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ và tổ lái của Mỹ bị kẹt hơn một tuần không được rời đi.  

Thanh Hảo