Liệu binh sĩ và thiết bị quân sự Nga có ở lại Belarus như một kiểu “con ngựa thành Troy”, nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai? Đó thực sự là những gì mà giới chức NATO đang lo lắng.
Bắt đầu từ ngày 14/9, theo ước tính của giới chức quốc phòng phương Tây, khoảng 100.000 binh sĩ Nga và Belarus đã được huy động tham gia cuộc tập trận quan trọng dọc theo biên giới của ba quốc gia thành viên NATO, gồm Lithuania (Litva), Latvia và Ba Lan.
Nga và Belarus huy động một lực lượng lớn binh sĩ và thiết bị quân sự tham gia cuộc tập trận chung Zapad năm nay. |
Zapad 2017 có thể là cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh, mặc dù Moscow tuyên bố chỉ có gần 13.000 binh sĩ tham gia. Sự kiện này đã kích động phản ứng từ lực lượng chống đối tại Belarus vốn không thân thiện với Nga, đồng thời khiến NATO "căng thẳng thần kinh" vì lo ngại những toan tính của Moscow, nhất là khi quan hệ NATO - Nga đang lạnh nhạt hơn bao giờ hết.
Nhiều quan chức quân sự phương Tây nghi ngờ, Nga có thể tổ chức đồng loạt những cuộc diễn tập quân sự nhỏ hơn như một phần không chính thức của Zapad và quân số của các cuộc tập trận này sẽ không tính vào Zapad, vốn bị giới hạn ở con số 13.000 quân.
Theo một hiệp ước giữa các quốc gia thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), mà Nga cũng là thành viên, thì bất cứ cuộc tập trận nào có sự tham gia của trên 13.000 người - bao gồm cả binh sĩ và nhân viên hậu cần – đều đòi hỏi phải cho phép quan sát viên quốc tế chứng kiến.
Nhưng mối lo ngại trên tất cả với NATO là, Zapad-2017 có thể là một kiểu chiến thuật “con ngựa thành Troy”, để Nga đưa binh lực vào Belarus.
Trang The Cipher Brief dẫn phân tích của các chuyên gia phương Tây cho rằng, cuộc tập trận quân sự lớn này đặt ra 3 nguy cơ chính: Bố trí quân sẵn để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong tương lai; sự chuyển hướng hoạt động quân sự của Nga ra các nơi khác ngoài Syria và Ukraina; và khả năng Nga phát đi tín hiệu với các đối thủ phương Tây rằng, còn có một "người chơi" quan trọng nữa trên trường quốc tế.
Cuộc tập trận Zapad diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đang giáng đòn ngoại giao vào nhau bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao bên đối phương cũng như cạnh tranh ảnh hưởng tại nhiều điểm nóng trên thế giới, từ Syria cho đến Afghanistan. Tướng nghỉ hưu Mỹ Peter Zwack phát biểu: “Tôi chưa từng thấy mức độ mất lòng tin (giữa Nga – Mỹ) như thế này kể từ Kosovo năm 1999”.
Với giới quan sát phương Tây, mục tiêu chính của Nga với Zapad-2017 dường như rõ ràng: gửi đi một thông điệp không thể tranh cãi về sức mạnh Nga với các nước láng giềng phía tây và đồng minh NATO của họ (Belarus chia chung đường biên giới phía tây với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia).
Số liệu chính thức về cuộc tập trận Zapad: 12.700 binh sĩ; 70 máy bay và trực thăng; 680 đơn vị thiết bị quân sự, bao gồm 250 xe tăng, 200 khẩu pháo; 10 tàu chiến...
Phát biểu với BBC hôm 10/9, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon bày tỏ lo ngại: “Cuộc tập trận này nhằm kích động chúng ta, thử thách năng lực quốc phòng của chúng ta và đó là lý do chúng ta phải mạnh mẽ”. “Người Nga đang thử thách chúng ta, và thử thách chúng ta với bất cứ cơ hội nào”, ông Fallon kết luận.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin (ảnh) bác bỏ cuộc tập trận Zapad là nhằm vào NATO. |
Ngoài thông điệp nói trên, phương Tây cũng đang theo dõi chặt chẽ những dấu hiệu cho thấy Nga có thể biến Zapad-17 thành “con ngựa thành Troy” với việc để lại các thiết bị quân sự tại Belarus như một cách chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai. Hồi tháng 7, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Mỹ, tướng Tony Thomas từng tuyên bố rằng, “một mối quan ngại lớn là người Nga sẽ không rút khỏi Belarus” sau khi có thông tin về cuộc tập trận Zapad.
Tướng Philip Breedlove, người từng giữ cương vị Tư lệnh Đồng minh tối cao của NATO tại châu Âu (SACEUR) kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại châu Âu cho đến tháng 5/2016, cũng đã bày tỏ lo ngại trong cuộc trả lời phỏng vấn với Cipher Brief: “Cá nhân tôi không dùng từ ‘con ngựa thành Troy’, nhưng từ những gì tôi nghe được thì có mối lo ngại lớn về nguy cơ, nhiều lực lượng (Nga) có thể tham gia và có thể không phải tất cả họ sẽ trở về nước. Ngoài ra, giữa Nga và Belarus đang thảo luận về việc đặt căn cứ, điều đó cũng dấy lên những lo ngại”.
Vậy NATO làm gì để đối phó với cuộc tập trận của Nga?
Giới chức NATO cho biết, liên minh sẽ theo dõi sát sao Zapad-2017, nhưng không tiến hành bất cứ cuộc tập trận lớn nào trong thời gian này. Thay vào đó, NATO sẽ duy trì hoạt động luân chuyển quân, trong khi vẫn tiến hành các cuộc diễn tập quy mô nhỏ đã được lên kế hoạch từ trước tại Thụy Điển, Ba Lan và Ukraina.
Là nước có chung đường biên giới với Belarus, Bộ trưởng Quốc phòng Litva phát biểu với phóng viên: "Chúng tôi không thể hoàn toàn bình tĩnh. Một đội quân nước ngoài lớn đang áp sát lãnh thổ Litva".
Trong khi đó, một số nước phương Tây đã kêu gọi Nga minh bạch hơn trong các hành động để xây dựng lòng tin. "Với việc thêm nhiều hoạt động quân sự dọc biên giới của chúng ta, trên không, trên bộ và trên biển, nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn, tính toán sai lệch đang tăng lên", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với tờ Washington Post.
Các nước vùng Baltic và Ba Lan đã đặt quân đội trong tình trạng báo động, trong khi các máy bay Mỹ thường xuyên tuần tiễu không phận Baltic, riêng Ba Lan ra lệnh đóng cửa không phận nước này gần Kaliningrad - vùng lãnh thổ của Nga.
Nga: Zapad không nhằm vào NATO
Trước những mối nghi ngại của NATO và châu Âu, Nga và Belarus khẳng định trong bản kế hoạch chính thức của Zapad-2017: “Cuộc tập trận chung giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh Belarus và vùng Kaliningrad bị xâm nhập bởi các tổ chức cực đoan, âm mưu tiến hành tấn công khủng bố".
"Các phần tử vũ trang bất hợp pháp này được hậu thuẫn từ nước ngoài, được cung cấp vũ khí và các năng lực về đường không và đường biển. Nhằm vô hiệu hóa các phần tử đối lập, các lực lượng mặt đất sẽ được triển khai nhằm cắt đứt đường tiếp cận của chúng ra biển, phong tỏa các hành lang đường không trong khu vực, với sự hỗ trợ của không quân, lực lượng phòng vệ không quân và hải quân”.
Moscow và Minsk tuyên bố, mục tiêu của Zapad-2017 là phối hợp hành động giữa các bộ chỉ huy quân sự khu vực “nhằm mục đích đảm bảo an toàn quân sự”. Bộ Quốc phòng Belarus khẳng định: “Cộng hòa Belarus nỗ lực ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang, và Liên bang Nga đang cung cấp cho Belarus sự ủng hộ chính trị, viện trợ tài chính cũng như hỗ trợ về quân sự và kỹ thuật”.
Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc của NATO rằng Zapad-2017 là nhằm huy động binh lực Nga tại Belarus và vi phạm các hiệp ước quốc tế. Thứ trưởng quốc phòng Nga Alexander Fomin khẳng định, Zapad-2017 "hoàn toàn hòa bình và chỉ mang tính chất phòng thủ".
Theo Baotintuc
Tấn công đẫm máu tại Iraq, 50 người thiệt mạng
Ít nhất 50 người đã thiệt mạng và hơn 80 người bị thương trong hai vụ tấn công ở phía bắc Iraq vào ngày 14/9.
Trung Quốc lần đầu tiên "lên án" Triều Tiên
Gần đây, lần đầu tiên Trung Quốc "lên án" Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng thất vọng với nước đồng minh "ương ngạnh".
Ông Trump ngăn Trung Quốc thôn tính công ty Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn một trong những kế hoạch thu mua lớn nhất, trị giá tới 1,3 tỷ USD của một công ty Trung Quốc nhằm vào một công ty công nghệ Mỹ.
Triều Tiên dọa nhấn chìm Nhật bằng bom hạt nhân
Triều Tiên vừa dọa nhấn chìm Nhật Bản, biến Mỹ thành "tro bụi và bóng tối" vì đã ủng hộ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
Tên lửa Hàn Quốc hủy diệt 'mục tiêu Triều Tiên'
Hàn Quốc vừa thử nghiệm đánh phủ đầu Triều Tiên bằng tên lửa hành trình hiện đại do Đức và Thụy Điển sản xuất.
Phát hiện hoạt động mới tại bãi thử hạt nhân Triều Tiên
Những bức ảnh vệ tinh mới chụp được cho thấy Triều Tiên vừa nối lại hoạt động tại bãi thử hạt nhân ngầm của nước này.