Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 6/7, tuyên bố sẽ đương đầu "mạnh mẽ" với Triều Tiên và kêu gọi các nước hãy cho Bình Nhưỡng thấy hậu quả của tham vọng phát triển vũ khí.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn ABC News, các lựa chọn quân sự có thể nằm ở dưới cùng danh sách, bởi thực tế bất kỳ hành động vũ lực nào đều có thể khai mào một cuộc chiến tổng lực với Triều Tiên.
Ảnh: Sky News |
Cùng ngày 6/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với báo chí rằng chính quyền Trump sẽ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao và cấm vận kinh tế để xử lý vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ông cũng giảm nhẹ khả năng tên lửa đó sẽ "đưa chúng ta tới gần chiến tranh hơn".
Tuy các nỗ lực ngoại giao nhằm kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên đến nay đều không hiệu quả, tướng Mattis vẫn khẳng định "ngoại giao không thất bại".
ABC News nêu ra một số lựa chọn hạn chế mà chính quyền Tổng thống Trump có thể đang cân nhắc đối với Triều Tiên trong tương lai.
Tấn công phủ đầu
Mục tiêu mà chính quyền ông Kim Jong Un thẳng thừng tuyên bố là chế tạo thành công một ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ.
Vụ phóng ICBM ngày 4/7 cho thấy Bình Nhưỡng đạt tiến bộ vượt bậc hướng tới mục tiêu đó. Nhưng Triều Tiên nhiều khả năng chưa thể có một vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để lắp lên đầu ICBM.
Vậy điều gì xảy ra trong tương lai nếu Triều Tiên đạt đến mức độ đó?
Lựa chọn có thể nhất khi ấy sẽ là một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhưng tấn công phủ đầu có thể sẽ dẫn tới một phản ứng quân sự dữ dội của Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc, gây thương vong cho hàng trăm nghìn dân thường. Triều Tiên còn có thể bắn tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phần lớn quân đội gồm cả triệu binh sĩ của Triều Tiên hiện diện ở ngay phía bắc của Vùng phi quân sự (DMZ) ngăn cách với Hàn Quốc. Pháo của Triều Tiên có thể bắn tới Seoul, thành phố cách DMZ khoảng 50km.
Để chặn đứng một hành động quân sự tiềm tàng của Triều Tiên, một cuộc tấn công phủ đầu sẽ phải có quy mô rất lớn.
Mục tiêu tấn công
Triều Tiên có cơ sở hạt nhân chính ở Yongbyon nhưng tấn công tổ hợp này sẽ gây ra một thảm họa môi trường tồi tệ. Trong khi đó, chính quyền ông Kim Jong Un có thể còn nhiều cơ sở hạt nhân bí mật mà bên ngoài chưa biết đến.
Tổ hợp sản xuất tên lửa Sanum-dong ở Bình Nhưỡng là một mục tiêu dễ bắn phá. Triều Tiên còn có hai cơ sở tên lửa tầm xa - Trạm phóng vệ tinh Sohae ở bờ biển tây bắc và Bãi phóng vệ tinh Tonghae ở đông bắc.
Nhưng nhắm tới các cơ sở phóng tên lửa sẽ gặp khó khăn vì Triều Tiên liên tục chứng tỏ nước này có thể nhanh chóng bắn tên lửa tầm xa từ bệ phóng di động.
Trong 5 tháng qua, nước này đã sử dụng các bệ di động để phóng tên lửa nhiên liệu rắn, tên lửa tầm trung một giai đoạn và ICBM hai giai đoạn, chứng tỏ họ không cần các trạm phóng cố định mỗi khi thử vũ khí mới.
Điều đó có nghĩa là phát hiện được một ICBM mang đầu đạn hạt nhân trong tương lai là một thách thức không nhỏ đối với tình báo Mỹ.
Các lựa chọn khác
Các lựa chọn quân sự khác của Mỹ thậm chí còn bị hạn chế hơn nhiều, bởi chúng cũng có thể khiến Triều Tiên đáp trả dữ dội.
David Albright thuộc Viện Khoa học và An ninh quốc tế Mỹ cho rằng, lựa chọn sau cùng là một sự phong tỏa trên biển nhằm thực thi các cấm vận kinh tế tiềm tàng nhưng sẽ có ít tác động, vì hầu hết hàng hóa của Triều Tiên sẽ di chuyển bằng đường bộ qua Trung Quốc và Nga.
Tất cả các lựa chọn trên đều tiềm ẩn nguy cơ Triều Tiên sẽ phản ứng bằng một cuộc tấn công truyền thống quy mô lớn nhằm vào Hàn Quốc.
Albright nghi Mỹ có thể mở một cuộc tấn công không gian mạng vào các hệ thống tên lửa của Triều Tiên, nhưng ông không nghĩ nó có tác động lớn.
Hồi đầu năm nay, New York Times đưa tin, một loạt các vụ phóng thất bại của Bình Nhưỡng là kết quả của nỗ lực phá hoại mà Mỹ ngầm thực hiện nhằm vào các hệ thống phóng tên lửa của Triều Tiên.
Thanh Hảo