Hầu hết các Tổng thống Mỹ đều có những trù tính cho cuộc sống của họ sau khi rời nhiệm và họ đã chứng tỏ có rất nhiều cách để thích nghi với cuộc sống bên ngoài Nhà Trắng. Từ "về hưu" không có trong suy nghĩ của họ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:



Các thành viên của Câu lạc bộ Tổng thống Mỹ.

George W. Bush: Phục vụ thầm lặng

Khi George W. Bush rời Nhà Trắng năm 2009, ông gần như bước ra khỏi ánh sáng sân khấu. Tuy nhiên, năm ngoái, ông đã làm việc cùng với các tình nguyện viên ở Zambia để nâng cấp một bệnh viện chuyên trị ung thư cổ tử cung. Như nhiều cựu Tổng thống khác, Bush dùng danh tiếng của mình để thu hút sự chú ý tới các vấn đề, song ông khẳng định không muốn dư luận tập trung vào việc làm của chính ông.

Sứ mệnh cấp thiết

Các cựu Tổng thống Mỹ có khả năng tập trung sự chú ý và thiện chí của công chúng. Tổng thống Barack Obama đã nhờ ông Bush và cựu Tổng thống Bill Clinton đứng đầu một nỗ lực gây quỹ vào năm 2010 sau trận động đất kinh hoàng ở Haiti.

"Nhân danh người Mỹ, tôi muốn cảm ơn cả hai vị đã trở lại cống hiến và dẫn dắt sứ mệnh cấp thiết này", Obama phát biểu khi đứng cạnh hai người tiền nhiệm ở bên ngoài Nhà Trắng.

Hai cựu Tổng thống Clinton và Bush từng tới thăm Indonesia sau thảm họa sóng thần hủy diệt năm 2004, và họ đã gây quỹ cũng như nâng cao nhận thức sau khi Bão Katrina tàn phá các khu vực thuộc miền nam nước Mỹ năm 2005.


Bill Clinton và George W. Bush tại hội nghị tài trợ tái thiết Haiti.

Bill Clinton: Giải quyết thách thức toàn cầu

Clinton vẫn thu hút sự chú ý cao độ sau khi ông rời Nhà Trắng, làm đặc sứ của Liên Hợp Quốc tại Haiti, thúc ép Triều Tiên trả tự do cho các tù nhân Mỹ và vận động cho vợ ông, Hillary Clinton, khi bà tranh cử Tổng thống năm 2008.

Ông cũng thành lập Sáng kiến Toàn cầu Clinton, sự kiện mà ông khẳng định "được thiết kế để giải quyết các thách thức to lớn trên toàn cầu bằng các biện pháp nhỏ".

George H.W. Bush: Mục đích cá nhân

Cũng giống như con trai ông, cựu Tổng thống George H.W. Bush không mấy quan tâm theo đuổi một công việc rầm rộ mà thay vào đó ông chọn các vấn đề mang tính cá nhân, theo Mark Updegrove, Giám đốc Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson.

Giới sử gia cho rằng, cuộc sống của Tổng thống sau khi rời Nhà Trắng đã thay đổi. Trước năm 1958, các cựu Tổng thống của Mỹ không được lĩnh lương hưu - chứ đừng nói đến một chân trong văn phòng với các nhân viên và nhiều thuận lợi khác đem lại cho họ một mức độ tự do để theo đuổi các lợi ích khác nhau.

Công nghệ hiện đại cũng liên kết các Tổng thống với dân chúng.

Ronald Reagan: Đời sống công cộng

Ronald Reagan rời nhiệm sở năm 1989. Ông công bố một bức thư nói rằng mình mắc bệnh Alzheimer. Vợ ông, bà Nancy, cho biết họ coi đó là một cơ hội để nâng cao nhận thức.

Vào thời điểm đó, Nancy Reagan nêu ra rằng họ đã là "những con người của công chúng gần như suốt cuộc sống hôn nhân của mình". Bà nói thêm rằng "nếu chúng tôi có thể tạo được sự khác biệt bằng việc tham gia của mình thì đơn giản là chúng tôi phải ra trước công chúng và làm việc đó".


Ronald Reagan tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Ronald Reagan tháng 5/1997.

Hậu Nhà Trắng: Phản chiếu cá tính rõ hơn

Các cựu Tổng thống Mỹ đã cống hiến bản thân cho những lý tưởng mà họ đã chọn lựa, theo cách mà họ không thể cống hiến khi còn ở Nhà Trắng, theo ông Updegrove, tác giả của nhiều cuốn sách về chức vụ Tổng thống.

"Tôi nghĩ bằng nhiều cách, các hoạt động thời kỳ hậu Nhà Trắng của các cựu Tổng thống mang tính phản chiếu về cá tính của chính họ rõ hơn so với những năm tháng tại nhiệm. Khi bạn là Tổng thống, bạn không thể định ra nghị trình mọi lúc. Bạn phải phản ứng trước các sự kiện xung quanh mình, cả ở tầm quốc gia và quốc tế, vì vậy, bạn phải đưa ra ý kiến về những gì muốn thực hiện, nhưng rồi nhiệm kỳ Tổng thống của bạn lại biến thành một điều gì đó rất khác".

Tổng thống không qua bầu cử

Gerald Ford không hề phải vận động để trở thành Tổng thống. Ông đang phục vụ tại Quốc hội thì được Tổng thống Richard Nixon đề cử khi bê bối Watergate bao phủ chính quyền tổng thống đương nhiệm.

Ford, làm Tổng thống từ năm 1974 đến năm 1977, nổi tiếng về coi trọng lời khuyên của vợ ông, bà Betty, vị nể bà vì tính thẳng thắn và bộc trực. Năm 1978, Betty Fort phải điều trị chứng nghiện rượu. Bốn năm sau đó, bà đồng sáng lập Trung tâm Betty Ford chuyên điều trị cho các bệnh nhân nghiện ngập.


Gerald Ford và vợ Betty phát biểu với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng tháng 8/1999.

Jimmy Carter: Phiêu lưu và hữu ích

Công việc của cựu Tổng thống Jimmy Carter thường tập trung vào vấn đề y tế, nhân quyền và thúc đẩy dân chủ, trong đó có giám sát bầu cử. Carter khẳng định các mối quan tâm trong đời ông không thay đổi kể từ khi ông rời Nhà Trắng vào năm 1981. 

"Tôi có thể nói, và tôi nghĩ vợ tôi sẽ nhất trí, rằng thời gian chúng tôi trải qua từ khi rời Nhà Trắng là khoảng thời gian xúc động nhất, hữu ích nhất, phiêu lưu nhất, khó dự đoán và hài lòng nhất", trích lời ông Carter.

Nhà cựu lãnh đạo này viện dẫn hoạt động của mình với quỹ Trung tâm Carter, vị trí giảng dạy tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, và đại gia đình ông.

Carter và vợ, bà Rosalynn, nổi tiếng vì làm tự nguyện viên cho Habitat for Humanity, một tổ chức giúp những người thu nhập thấp xây dựng và mua được nhà ở cho mình.

Thanh Hảo (Theo VOA News)