Năm 2009, Triều Tiên tung video ca ngợi một "anh hùng dân tộc" mới, mà các chuyên gia bên ngoài sau đó nhận ra chính là tâm điểm chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.
Anh hùng đó – khá phổ biến ở các nhà máy trên toàn thế giới – là cỗ máy CNC (Điều khiển số bằng Máy tính).
Ông Kim Jong Un thị sát Nhà máy Máy Tổng hợp ở Bình Nhưỡng hồi tháng 1/2017. (Ảnh: KCNA/Reuters) |
CNC sử dụng hướng dẫn lập trình sẵn để sản xuất các bộ phận phức tạp cho mọi sản phẩm - từ ôtô, điện thoại cho tới đồ đạc và áo quần. Chúng đạt được độ chính xác mà những người vận hành công cụ máy móc không thể đạt được.
Ở Triều Tiên, nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tự chế và kỹ thuật đảo ngược, CNC hiện đóng một vai trò then chốt trong các chương trình vũ khí. Chúng cho phép ông Kim Jong Un chế tạo bom hạt nhân và tên lửa mà không cần phụ thuộc vào nhập khẩu hay sự hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài.
Reuters dẫn lời các chuyên gia vũ khí hạt nhân nhận định, CNC đã giúp lãnh đạo Triều Tiên đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa và hạt nhân bất chấp cấm vận quốc tế về chuyển giao thiết bị nhạy cảm.
"Các máy li tâm và tên lửa mới của Triều Tiên đều phụ thuộc các bộ phận được sản xuất nhờ công cụ CNC. Chúng là công nghệ thiết yếu để sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân", Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Hạt nhân Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Middlebury ở Monterey, California (Mỹ).
Kể từ năm 1996, các máy CNC đã được đưa vào Hiệp định Wassenaar - một chế độ kiểm soát vũ khí quốc tế nhằm ngăn chặn phổ biến các thiết bị mang mục đích kép vừa dân sự vừa quốc phòng. Triều Tiên không tham gia hiệp định.
Triều Tiên đã tổ chức mừng công nghệ CNC rất hoành tráng. Hàng trăm người mặc quần áo màu xanh và cam rực rỡ biểu diễn bài ca CNC, có tựa đề "Vượt qua Mũi nhọn" (Break through the cutting edge) trong một buổi lễ mừng Đảng Lao động Triều Tiên năm 2010.
Một chương trình biểu diễn ở Bình Nhưỡng tháng 8/2011. (Ảnh: Choson Exchange/Reuters) |
Năm 2012, khi bài hát Gangnam Style của Hàn Quốc nổi tiếng khắp nơi, ca khúc CNC cũng xuất hiện ở các máy hát karaoke toàn cầu. Video chính thức cho ca khúc này mở đầu bằng một tên lửa tầm xa của Triều Tiên lao vút lên bầu trời.
Nhiều khả năng Triều Tiên bắt đầu tự phát triển CNC vào đầu thập niên 1990, như một phần tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa tinh vi. Nước này có thể đã học được cách chế tạo nhờ tháo dỡ các máy nhập từ Liên Xô trước đó.
Máy CNC tự chế đầu tiên của Triều Tiên được công bố năm 1995. Theo một bài viết trên nhật báo Rodong Sinmun, ông Kim Jong Il đã đặt nhãn hiệu Ryonha cho cỗ máy. Đây là lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên nhắc đến công nghệ này.
Năm 2009, các cỗ máy đã trở thành trụ cột tuyên truyền của Triều Tiên, khi nước này mở chiến dịch toàn quốc nhằm thúc đẩy công nghiệp nội địa. Cùng năm đó, Bình Nhưỡng hứng chịu thêm trừng phạt sau khi tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần 2 và phóng một tên lửa tầm xa.
Khi đó, các chuyên gia kiểm soát vũ khí đã tỏ ra quan ngại về chuyến thăm của ông Kim Jong Il tới một nhà máy mà các máy CNC tự chế dường như đang sản xuất các ống nhôm. Những thiết bị này có thể được sử dụng cho các máy li tâm hạt nhân.
"Đến khoảng năm 2010, dường như họ đã có thể sản xuất nhiều loại máy CNC khác nhau", Reuters dẫn lời Kim Heung-gwang, người từng dạy tại Đại học Công nghệ Máy tính Hamhung của Bình Nhưỡng và đã đào tẩu sang Hàn Quốc.
Nhưng mãi cho tới năm 2013, Tập đoàn Liên doanh Máy Ryonha của Triều Tiên (đơn vị sản xuất CNC) mới bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách đen vì hỗ trợ các chương trình vũ khí.
Tới tháng 8 năm nay, các quan chức tình báo Mỹ tiết lộ với Reuters rằng, Triều Tiên nhiều khả năng đã đạt năng lực tự sản xuất động cơ tên lửa. Ông Kim Heung-gwang ước tính, Triều Tiên hiện có khoảng 15.000 máy CNC.
Thanh Hảo