Ngày 6/5/1937, khinh khí cầu khổng lồ Hindenburg của Đức bất ngờ bốc cháy, rồi phát nổ trên bầu trời Mỹ, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của một phương tiện đường không từng thịnh hành trên thế giới vào đầu thế kỷ XX. Phải mất 76 năm sau đó, các nhà điều tra mới tìm ra nguyên nhân của thảm kịch kinh hoàng này.
Đối với nhiều nhà sử học, thảm họa Hindenburg đã khép lại kỷ nguyên khinh khí cầu, mở ra thời kỳ phát triển của các loại máy bay hiện đại.
LZ 129 Hindenburg là khinh khí cầu lớn nhất, nhanh nhất và sang trọng nhất trong lịch sử. Ảnh: airship.net |
LZ 129 Hindenburg là khinh khí cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với đường kính 41,2 mét và chiều dài 245 mét, gấp ba lần kích cỡ một chiếc máy bay Boeing 747. Nó được chế tạo năm 1931, vài năm trước khi Hitler lên nắm quyền Quốc trưởng của Đức quốc xã và được đặt theo tên Tổng thống Đức Marchal Paul von Hindenburg (1847-1934).
Hindenburg vận hành nhờ động cơ Mercedes-Benz và gần 200.000 mét khối khí hydro, thay vì khí heli an toàn hơn để giảm trọng lượng và bay nhanh hơn. Khinh khí cầu này cũng được trang bị tiện nghi sang trọng nhất thời bấy giờ, với thiết kế có cả phòng ăn, quầy bar, phòng hút thuốc cùng lối đi dạo và cửa sổ mở được trong khi bay.
Trước khi gặp nạn vào ngày 6/5/1937, Hindenburg đã thực hiện thành công 17 chuyến bay vượt Đại Tây Dương, chuyên chở hơn 2.600 hành khách, với vận tốc tối đa đạt 135km/h, nhanh nhất lúc bấy giờ. Phần lớn khách đi khinh khí cầu hạng sang này thuộc tầng lớp thượng lưu, người đứng đầu các doanh nghiệp hoặc quan chức chính phủ.
Vào ngày 3/5/1937, khinh khí cầu Hindenburg đã khởi hành từ Frankfurt, Đức để tới Lakehurst, Mỹ. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho tới sáng ngày 6/5/1937.
Vào ngày định mệnh, Hindenburg tới trạm bay ở Lakehurst muộn hơn vài tiếng so với lịch trình vì ảnh hưởng của một cơn bão. Lúc 7h sáng, khinh khí cầu bắt đầu quá trình hạ cánh ở độ cao khoảng 200 mét. Để có thể hạ cánh, phi hành đoàn phải thả dây và ròng rọc xuống móc vào các cột mốc dưới mặt đất.
Ảnh: Slate Magazine |
Lúc khoảng 7h25, khi còn cách mặt đất khoảng 60 mét, Hindenburg đột ngột bốc cháy dữ dội ở phần đuôi. Một chuỗi phản ứng tiếp theo đó khiến lửa nhanh chóng lan tới phần đầu khinh khí cầu.
Ảnh: Live Science |
Phần đuôi bốc cháy khiến Hindenburg mất cân bằng, đâm xuống đất, khiến một vùng rộng lớn thuộc Lakehurst, bang New Jersey, Mỹ chìm trong khói lửa. Toàn bộ khinh khí cầu cháy rụi chỉ trong không đầy 1 phút. Đám đông gần 1.000 khán giả chờ đón Hindenburg trên mặt đất kinh hãi, bỏ chạy tán loạn
Ảnh: Newscom |
Một số hành khách và thành viên phi hành đoàn liều mình nhảy từ độ cao hơn 10 mét xuống đã may mắn sống sót. Tuy nhiên, thảm họa bất ngờ khiến 35 nạn nhân trong tổng số 97 người có mặt trên khinh khí cầu (gồm 36 hành khách và 61 thành viên phi hành đoàn) thiệt mạng. Một người khác trên mặt đất cũng tử nạn khi Hindenburg lao xuống.
Khinh khí cầu Hindenburg bị thiêu rụi trong không đầy 1 phút. Ảnh: Live Science |
Hàng chục năm sau đó, nguyên nhân của thảm họa Hindenburg vẫn còn là điều bí ẩn. Các nhà nghiên cứu, sử gia, báo chí đã đưa ra nhiều giả thuyết nhằm lí giải sự cố, từ việc Hindenburg bị trúng bom, trúng tên bắn đến việc phi hành đoàn cố gắng hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, khinh khí cầu bốc cháy vì một chất khác hydro hay lớp vải bọc dễ bắt lửa. Song, tất cả đều không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Mãi tới năm 2013, các nhà khoa học Mỹ mới công bố kết luận chính thức về nguyên nhân tai nạn. Theo họ, thủ phạm là hiện tượng phóng tĩnh điện. Hindenburg đã bay vào một đám mây tích điện, dẫn đến hậu quả cháy, nổ chết người.
Sự cố được nhiều người ví von như "thảm kịch Titanic trên không", làm tiêu tan niềm tin của công chúng đối với những khinh khí cầu khổng lồ. Cùng với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nó cũng khiến khinh khí cầu trở thành phương tiện giao thông của dĩ vãng.
Tuấn Anh
Lật lại chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden
Cách đây đúng 7 năm, các lực lượng Mỹ rốt cuộc cũng tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng thế giới Osama bin Laden sau hơn một thập niên săn lùng.
Thượng đỉnh liên Triều, hy vọng của những mảnh đời ly tán
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau vào ngày 27/4. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua.
Ngày này năm xưa: Tuyên bố 'chấn động' của TT Mỹ về chiến tranh ở Việt Nam
Ngày 23/4/1975, tại Đại học Tulane, bang New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố: "Đối với Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc".
Ngày này năm xưa: Người Liên Xô lập kỳ tích chấn động lịch sử thế giới
Ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào không gian, đánh dấu bước tiến vượt bậc của chương trình hàng không vũ trụ Liên Xô.
Tình tiết ly kỳ vụ xử gián điệp chấn động lịch sử Mỹ
Julius và Ethel Rosenberg là những công dân Mỹ đầu tiên và cũng là cuối cùng bị chính phủ nước này xử tử vì tội hoạt động gián điệp kể từ 1953 tới nay.