Mỹ vừa phóng 50 - 70 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu của Chính phủ Syria.

Thông tin trên vừa được hãng tin Reuters đăng tải dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên. Đây được cho là động thái phản ứng của Mỹ nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học hôm 4/4 làm hàng chục người thiệt mạng.

{keywords}
Tên lửa Tomahawk được bắn đi từ các chiến hạm. (Ảnh minh họa)

Các tên lửa được bắn đi từ chiến hạm Mỹ ở đông Địa Trung Hải. Mục tiêu mà tên lửa hành trình Mỹ nhắm tới là căn cứ không quân ở thành phố Homs. Quân đội Mỹ nhắm vào máy bay, đường băng và trạm xăng và các tên lửa bắn trúng mục tiêu vào lúc 3h45 sáng 7/4 tại Syria.

Đây là vụ tấn công trực tiếp của Mỹ nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al- Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát sáu năm trước. Sự kiện này đánh dấu một bước leo thang quân sự lớn của Mỹ và có nguy cơ gây đối đầu trực tiếp với Nga và Iran.

Trước đó, hôm 6/4, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đang trình lên Nhà Trắng một số phương án quân sự mà Washington có thể áp dụng để đáp trả vụ tấn công hóa học ở Syria, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vô hiệu hóa lực lượng không quân Syria.

Vào hôm 4/4, Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận, các máy bay chiến đấu đã tấn công thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib do quân nổi dậy kiểm soát. Vụ tấn công khiến nhiều người tử vong do ngạt khói.

Theo SOHR, nhiều người gặp vấn đề về hô hấp, bất tỉnh, nôn mửa và sùi bọt mép. Tổ chức này xác nhận đa số người thiệt mạng là dân thường. Idlib chủ yếu nằm trong quyền kiểm soát của một liên minh phiến quân, trong đó có Mặt trận Fateh al-Sham từng là một nhánh của tổ chức al-Qaeda.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 5/4 cho rằng, vụ tấn công dường như liên quan tới vũ khí hóa học.

“Việc thiếu rõ ràng tổn thương bên ngoài ở các nạn nhân cho thấy sự tấn công nhanh chóng của các triệu chứng tương tự, trong đó có việc kiệt sức vì khó thở cấp tính, là lý do chính dẫn tới tử vong”, WHO cho biết.

Theo WHO, “một số trường hợp dường như còn có dấu hiệu nhiễm thuốc trừ sâu organophosphorus - một loại hóa chất chứa các chất độc thần kinh”.

Ngay trong ngày 4/4, Liên minh Dân tộc đối lập tại Syria đã yêu cầu Liên Hợp Quốc điều tra vụ tấn công. Liên minh này kêu gọi Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn và lập tức điều tra, thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo những đối tượng đứng sau vụ việc phải chịu trách nhiệm.

Cùng ngày, hãng thông tấn RIA dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các chiến cơ nước này không tiến hành oanh kích ở Idlib. “Máy bay quân sự của Nga không thực hiện bất kỳ cuộc oanh kích nào gần thị trấn Khan Sheikhoun ở tỉnh Idlib”, tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Quân đội Syria cũng phủ nhận có liên quan. "Quân đội Syria phủ nhận việc dùng hóa chất hay chất độc tại Khan Sheikhoun ngày 4/4. Quân đội chính phủ nhấn mạnh chưa bao giờ sử dụng chất độc hóa học ở bất cứ thời điểm, địa điểm nào và cũng sẽ không bao giờ làm điều này trong tương lai”.

Chỉ huy quân đội Syria còn quy trách nhiệm cho các phiến quân. Tuyên bố của quân đội Syria nhấn mạnh: "Các nhóm khủng bố và những ai đứng sau chúng phải chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng các chất độc và hóa chất, cũng như thái độ thờ ơ trước mạng sống của người dân vô tội”.

Tuy nhiên, một loạt quốc gia gồm Mỹ, Pháp, Anh lập tức hướng sự chú ý của dư luận vào Chính phủ Syria, khi lên tiếng cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công hóa học này.

Tổng thống Mỹ hôm 5/4 đã mô tả vụ tấn công là "kinh khủng", đồng thời gọi đây là "nỗi ô nhục ghê gớm với nhân loại”. Trong cuộc gặp Quốc vương Jordan Abdullah tại phòng Bầu dục, khi được hỏi liệu ông có đang định hình chính sách mới về Syria, ông Trump nói: "Rồi các bạn sẽ biết".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, vụ tấn công đã chỉ ra cách Tổng thống Syria làm việc với "hành động tàn bạo và không xấu hổ”. “Bất cứ ai dùng vũ khí hóa học để tấn công người dân của mình đều cho thấy sự thiếu tôn trọng cơ bản đối với các quy tắc của nhân loại và phải chịu trách nhiệm”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley thì lên án Nga vì đã không kiềm chế đồng minh Syria. Đại sứ Nikki Haley cũng cảnh báo rằng, nếu như Liên Hợp Quốc không thể phối hợp hành động chung thì phía Washington sẽ "buộc phải có hành động của riêng mình".

Dương Lâm