Dù các nhà chức trách Qatar trấn an dân chúng không cần hoảng sợ sau khi nước này bị một loạt quốc gia cắt đứt quan hệ, song nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng, kéo nhau tới siêu thị mua đồ tích trữ.

Qatar chung đường biên giới trên bộ duy nhất với Ảrập Xêút và phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thực phẩm, phần lớn là từ các quốc gia Vùng Vịnh.

{keywords}

Cảnh mua sắm tấp nập tại một siêu thị ở Doha. (Ảnh: AP)

Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất khu vực trong nhiều năm qua, ngày 5/6, đồng loạt 6 nước gồm Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Ảrập Xêút, Bahrain, Ai Cập, Libya và Yemen tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn chủ nghĩa cực đoan.

Thực tế này khiến nhiều người lo sợ. Theo tờ Guardian của Anh, tại siêu thị Carrefour ở Trung tâm mua sắm Doha, người dân xếp thành nhiều hàng dài để mua sắm. Người ta chất đồ đầy giỏ kéo và xe đẩy, mua chủ yếu là sữa, gạo và thịt gà.

Qatar nhập khẩu những mặt hàng như thịt gà từ Ảrập Xêút. Người dân địa phương nhanh chóng lên mạng xã hội than phiền rằng, sau quyết định của các nhà chức trách ở Riyadh, giờ đây họ phải dùng thịt gia cầm nhập từ Oman.

Ernest, người gốc Lebanon, cho biết anh phải đi mua hàng vì biết rằng mọi người sẽ đổ xô tới các cửa hiệu. Anh cùng gia đình của mình chất hàng đầy 2 xe đẩy.

{keywords}
Ảnh: Sky News

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở một cửa hiệu trong trong chuỗi Monoprix. Các nhân viên tại đây cho biết đang phục vụ một ngày đông khách nhất từ trước đến nay. Ở siêu thị Al-Meera cạnh đó, tốc độ mua hàng cũng hối hả không kém.

Để tránh cơn hoảng loạn mua sắm, Chính phủ Qatar đã ra thông cáo khẳng định các tuyến chuyên chở hàng vẫn hoạt động phục vụ nhập khẩu.

"Chính phủ sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để... ngăn chặn những ý đồ gây ảnh hưởng và làm hại nền kinh tế - xã hội Qatar", Guardian trích dẫn thông cáo trên.

Một trong những lĩnh vực kinh tế của Qatar bị có thể chịu ảnh hưởng nặng nề là xuất khẩu, trong đó có các loại hàng hóa như máy móc, thiết bị điện tử, thịt gia cầm... vốn được nhập bằng đường bộ từ Ảrập Xêút.

Việc sáu nước Vùng Vịnh đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar cũng là một tin xấu đối với ngành dịch vụ, trong đó có khách sạn và lái xe taxi ở Doha. Người Ảrập Xêút thường tới Qatar nghỉ lễ khi kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo (Ramadan). Nhưng với lệnh cấm đi lại mà Riyadh mới áp đặt thì thiệt hại là rất lớn bởi thu nhập của nhiều tài xế taxi phụ thuộc vào du khách.

Thanh Hảo