Nhiều quan chức an ninh tình báo Mỹ đã buộc tội cựu điệp viên Edward Snowden tiết lộ những thông tin mật để khủng bố lợi dụng, thực hiện các cuộc tấn công tại Paris.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Hãng tin Sputnik cho biết, chỉ ít ngày sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, các cơ quan an ninh phương Tây đã nhanh chóng đổ lỗi cho người được coi là “vật tế thần” của những kẽ hở an ninh quốc phòng Mỹ. Đó là cựu điệp viên Edward Snowden.

Trước đó, trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khẳng định kẻ gây ra cuộc thảm sát là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Để trả đũa, Paris đã cho tiến hành một chiến dịch không kích lớn tại thành trì Raqqa của IS.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lại đang đổ lỗi cho Edward Snowden, cho rằng việc cựu điệp viên CIA tiết lộ những dữ liệu tối mật của chính phủ đã làm suy yếu các nỗ lực tình báo phương Tây. Điều này đã tạo điều kiện để khủng bố dễ dàng trao đổi thông tin, gây khó khăn cho việc ngăn cản các âm mưu tấn công nhằm đảm bảo an ninh khu vực. 

{keywords}
Edward Snowden trở thành "vật tế thần" của những kẽ hở an ninh

Trong cuộc phỏng vấn trên MSNBC, cựu Giám đốc CIA James Woolsey khẳng định “bàn tay của Snowden đã nhuốm máu” trong vụ tấn công gây ra cái chết cho 129 người. Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia bảo mật khác ở Mỹ.

"Không có nghi ngờ gì nữa, chính việc rò rỉ thông tin nhìn chung đã đẩy chúng ta vào tình thế không kiểm soát được những kẻ khủng bố”, Matthew Olsen, cựu Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC) cho biết trên Yahoo News.

Nick Rasmussen, Giám đốc hiện tại của NCTC, cũng cho rằng việc để xảy ra vụ bạo lực ngày 13/11 là do “sự rò rỉ các thông tin kỹ thuật tình báo”.

Tuy nhiên theo luật sư, nhà báo Glenn Greenwald, những lời buộc tội này mâu thuẫn với việc hàng loạt các vụ khủng bố đã xảy ra trước cả khi Snowden tiết lộ thông tin vào tháng 6/2013, ví dụ như vụ tấn công năm 2002 tại Bali, năm 2004 tại Madrid, năm 2005 tại London, năm 2008 tại Mumbai và năm 2013 ở Boston.

Ông Greenwald cũng chỉ ra rằng, trong khi cựu điệp viên tiết lộ Washington đã theo dõi các công dân của mình, thì những tổ chức khủng bố đã biết cách tránh giao tiếp qua điện thoại và Internet suốt nhiều thập kỷ.

“Tiền đề của lời buộc tội này là, khủng bố không biết tránh sử dụng điện thoại và chưa học được cách sử dụng mã hóa cho đến khi Snowden tiết lộ. Tuy nhiên, chúng ta đã được cảnh báo trong nhiều năm trước đó rằng, những kẻ khủng bố rất thâm độc, tinh vi và đã biết cách sử dụng kỹ thuật mã hóa thông tin phức tạp để tránh giám sát điện tử”.

Ví dụ, năm 2001, rất lâu trước khi Snowden trở thành một cái tên quen thuộc, tờ Science Monitor cho biết, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã công khai nói rằng al-Qaeda sử dụng các kỹ thuật mã hóa phức tạp và mạng Internet một cách tinh vi, gây khó khăn lớn cho nỗ lực nghe trộm của phương Tây.

Ông Greenwald kết luận rằng, khủng bố không cần Snowden cảnh báo về sự giám sát, mà đã tự nhận thức rõ điều đó.

Đồng thời, theo nhà báo, việc đổ lỗi cho Snowden là cách tình báo phương Tây trốn tránh trách nhiệm khi không ngăn chặn được các cuộc tấn công. 

Báo cáo chỉ ra rằng chính phủ Pháp đã theo dõi ít nhất một trong số những kẻ tham gia tấn công vào ngày 13 vừa qua. Trước đó, cả 3 tay súng xông vào thảm sát tại văn phòng tòa soạn Charlie Hebdo hồi đầu năm nay đều nằm trong danh sách theo dõi.

Ông Greenwald kết luận, dường như đổ lỗi cho người khác đã trở thành “bản năng” của cơ quan tình báo Mỹ. Ngoài ra, việc mang cựu điệp viên làm lá chắn còn là cách chính phủ phương Tây tránh những câu hỏi về nguồn gốc và sự tài trợ cho IS.

Lan Phương