Hàng loạt xe tải chở hải sản bị dồn đống, xếp hàng nối đuôi nhau tại biên giới Trung Quốc với Triều Tiên. Các doanh nhân Trung Quốc từng kiếm bộn tiền từ cua, tôm, mực của Triều Tiên bắt đầu bị ảnh hưởng.
Theo NY Times, lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm nhập khẩu hải sản của Triều Tiên bắt đầu có hiệu lực hôm qua (16/8), hai ngày sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi các quy định mới được Hội đồng Bảo an thông qua nhằm trừng phạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc trừng phạt và việc xuất khẩu hải sản của Triều Tiên là nguồn thu lớn của nước này. Bằng việc ngừng giao dịch với Triều Tiên, Trung Quốc đã tuân thủ nghị quyết trừng phạt mới nhất nhưng lại ảnh hưởng tới chính các doanh nhân nước này.
"Tôi cho rằng nhiều khả năng tôi sẽ phải đưa xe tải chở đầy hải sản của mình quay lại Triều Tiên. Và điều tồi tệ nhất đó là tôi sẽ không lấy lại được tiền", Zhang Xuebai, một doanh nhân bán buôn trả lời qua phỏng vấn của NY Times qua điện thoại. "Tôi có lẽ sẽ mất khoảng 45.000USD. Những người khác còn tồn nhiều hàng ở đây có thể mất tới 150.000USD".
Sáng 16/8, cây cầu giữa văn phòng hải quan Triều Tiên và Trung Quốc chật cứng xe tải chở hải sản. Một đoạn video được đưa lên mạng cho thấy, các xe xếp hàng dài ở cửa khẩu.
Tới cuối ngày, ông Zhang cho hay, đa phần các xe tải chở hải sản, gồm cả xe của ông, được lệnh quay lại Triều Tiên để trả hàng.
"Tôi có một xe tải chở 30 tấn mực đông lạnh còn kẹt trên cầu", Chang An, một người bán buôn hải sản ở Hunchun nói. "Xe của tôi đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu với phía hải quan Triều Tiên. Làm thế nào tôi trả hàng được. Không còn quay lại được, tôi sẽ mất 75.000USD".
Tính tổng cộng, năm ngoái, Triều Tiên thu về 196 triệu USD từ xuất khẩu hải sản. Trong đó, nguồn thu chủ yếu là từ Trung Quốc, cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc cho hay.
Lệnh cấm hải sản, món hàng xuất khẩu dễ nhận thấy nhất và được chuyển trực tiếp tới tay người tiêu dùng, có lẽ là một trong những cách dễ thực hiện nhất.
Trong những năm gần đây, các loại động vật có vỏ, ăn được của Triều Tiên ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc. Các khách sạn lớn, trung tâm tổ chức tiệc thường mua cua, tôm và nhiều loại hải sản khác vì giá của Triều Tiên rất cạnh tranh.
Hoài Linh
'Cỗ máy chiến tranh' khổng lồ của Mỹ ở gần Triều Tiên
Mỹ hiện duy trì gần 40.000 quân nhân ở Nhật và 35.000 lính ở Hàn Quốc. Nước này cũng sử dụng Guam như một "tàu sân bay thường trực".
Toàn cảnh căng thẳng sục sôi trên bán đảo Triều Tiên
Những màn đấu khẩu nảy lửa giữa Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục không ngừng nghỉ.
Chân dung người Trung Quốc đặc trách vấn đề Triều Tiên
Trung Quốc đã lặng lẽ thay đổi một quan chức chủ chốt, người chịu trách nhiệm hóa giải khủng hoảng liên quan tới Triều Tiên.