- Đã hơn 10 năm, nhưng giới thể thao và những người yêu môn xe đạp vẫn không thể quên cái chết của tuyển thủ Đỗ Xuân Tâm. Anh đã mãi ra đi sau cái ngày định mệnh ấy…

Kiếm HCV lấy tiền nuôi mẹ

Út Tâm là cái tên mà bố mẹ, anh chị hay gọi Đỗ Xuân Tâm khi ở nhà. Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, Tâm là út. Là con út, nhưng Tâm lại rất hiếu thảo, biết lo toan cho gia đình. Anh chẳng bao giờ biết mua cái gì cho bản thân, cứ có chút tiền là gửi về cho mẹ. Khi đi tập luyện, thi đấu xa nhà, được phần thưởng hay mua được món quà nào đó, anh cũng mang về bằng được.

Bà Hoa – mẹ của Tâm còn nhớ như in hồi thằng con trai của mình ra Bắc thi đấu, nó mua được cái chiếu trúc mang về cho mẹ nằm mát lưng. Cái chiếu nặng tới cả chục cân, vậy mà Tâm vác ngon lành từ Hà Nội vào TP.HCM.

{keywords}

Đỗ Xuân Tâm trước khi bị tử nạn

Nhà đông con khiến hoàn cảnh càng thêm khó khăn. Bà Hoa ngày ngày đẩy xe xe hoa quả trên những con phố, cũng chẳng đủ tiền ăn. Đó cũng là một trong những lý do mà Tâm nghỉ học sớm để theo nghiệp VĐV. Bà Hoa kể lại: “15 tuổi, Tâm ra sông Sài Gòn chơi, nhìn thấy VĐV chạy xe đạp quanh đó. Thích quá, Tâm bảo mẹ dành dụm tiền mua cho mình chiếc xe, để xin đi học”.

Theo nghiệp VĐV không chỉ là để theo đuổi niềm đam mê, mà Tâm còn muốn tự nuôi sống bản thân mình, kiếm tiền gửi về cho mẹ. Những tấm huy chương dù phần thưởng không nhiều, nhưng lại có thêm động lực ghê gớm để phấn đấu.

Tâm bắt đầu tham gia các giải xe đạp phong trào và sau đó gia nhập đội đua xe đạp Quận 3, TP.HCM. Sau đó anh khoác áo Công an TP.HCM, được gọi vào trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM. Sau khi giành HCB Đại hộ thể thao toàn quốc năm 2002, Tâm được gọi vào đội tuyển quốc gia và được các HLV đặt nhiều hy vọng tại SEA Games 22 diễn ra trên sân nhà.

Trước ngày ra Hà Nội tập huấn, Tâm hứa với mẹ rằng anh sẽ quyết giành HCV SEA Games để có tiền nuôi mẹ. Nào ngờ, khi lời hứa chưa thể thực hiện được, thì Tâm đã mãi ra đi…

Hiến xác cho y học

Cái chết của Tâm đến bây giờ vẫn là một nỗi đau, mất mát lớn của ngành thể thao, cũng như gia đình. Trên đường đua ở giải xe đạp tiền SEA Games 22 tổ chức tại Hòa Bình, đang thi đấu lốp xe của Tâm bị nổ giữa chừng. Anh đang dẫn đầu đoàn đua, nên không muốn sự cố này khiến mình trắng tay ở giải đấu mang tính danh dự hơn là thành tích. Vì thế, bất chấp cơ thể đã gần như kiệt sức, Tâm vác xe chạy về đích dưới trời nắng gắt. Sức dài vai rộng là thế, nhưng Tâm quá gắng sức, khiến anh ngã quỵ xuống, trước khi hôn mê sâu. Khi đội y tế có mặt, mọi chuyện đã quá muộn. Theo các bác sĩ, anh đã bị đột tử do kiệt sức, say nắng và không được sơ cứu kịp thời nên đã dẫn đến việc não thiếu ôxy, rồi trụy tim.

{keywords}

Gia đình đã xin hiến xác anh cho y học

Nhiều đồng đội của Tâm cho rằng anh đã bị chết oan uổng, bởi lúc ấy nếu được sơ cứu kịp thời Tâm chắc chắn sẽ không chết. Nhưng ngặt một nỗi, BTC lại chỉ bố trí một tổ sơ cứu duy nhất ở phía đích đến, chứ không có những tổ sơ cứu đi theo đoàn đua như lẽ ra phải có.

Cái chết của Tâm đến giờ vẫn chưa được làm rõ và thực tế mẹ Hoa cũng không muốn tìm rõ nguyên nhân làm gì. Chính bà Hoa đã ký vào đơn từ chối giám định pháp y và tình nguyện hiến xác VĐV này cho một bệnh viện ở TP.HCM. “Tôi muốn nó ngay cả khi đã chết đi rồi vẫn sẽ là người có ích cho xã hội", bà Hoa ngậm ngùi.

Bốn năm Tâm nằm ở phòng lạnh của trường đại học là bốn năm mẹ thường xuyên tới thăm đứa con mình. Ngày 1/7/2007, thi hài Tâm chính thức được hỏa táng.

Đã hơn 10 năm kể từ cái ngày định mệnh ấy, giờ đây không còn nhiều người nhớ đến Đỗ Xuân Tâm. Nhưng cái chết mới đây của nữ võ sĩ taekwondo Hoàng Hà Giang, lại khiến ngành thể thao, người hâm mộ nước nhà giật mình. Chúng ta đã có nhiều VĐ tài năng đã ra đi mãi mãi, khi họ tập luyện, thi đấu giành vinh quang về cho tổ quốc.

Xe đạp - môn thể thao đầy hiểm nguy

Trong thể thao, xe đạp là một trong những môn thi đấu khắc nghiệt và có nhiều hiểm nguy nhất. Thể thao Việt Nam từng chứng kiến không ít tai nạn trên đường đua khiến VĐV phải vào viện nhiều người bỏ luôn nghiệp xe đạp vì chấn thương nặng. Sau cái chết của tay đua địa hình Đỗ Xuân Tâm, xe đạp Việt Nam từng suýt mất cuarơ Lê Nguyệt Minh năm 2012 sau một tai nạn kinh hoàng. Với vết thương gãy xương đòn vai, gãy xương tay và xương đùi phải, Minh đã phải mất một thời gian dài mới bình phục. Là môn thể thao có nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhưng VĐV xe đạp thường chỉ được mua bảo hiểm thân thể với chi phí thấp. Thậm chí có trường hợp còn không có bảo hiểm, nên khi gặp sự cố thường phải tự chi trả chi phí chữa trị.

Kỳ 3 - Trần Thanh Ngời: Cái chết thương tâm và nỗi ám ảnh của người thầy

Bằng Lăng