- Từng có khoảng thời gian 4 tháng thi đấu tại Nhật Bản, nên Công Vinh có nhiều bài học muốn được chia sẻ cho các đàn em của mình.


Năm 2013, Công Vinh khoác áo Sapporo ở giải J-League 2 với thời hạn 4 tháng. Sau đó, đội bóng Nhật Bản muốn gia hạn hợp đồng với chân sút người Nghệ An nhưng Công Vinh đã từ chối. Anh trở về nước thi đấu cho đội bóng quê hương SLNA, trước khi chuyển tới B.Bình Dương.

Dù khoảng thời gian ở Nhật Bản không nhiều, nhưng cũng đủ giúp Công Vinh cảm nhận được một nền bóng đá phát triển, có tính cạnh tranh rất khốc liệt như J-League 2 cũng như J-League.

{keywords}

Công Vinh muốn chia sẻ nhiều bài học với Công Phượng và Tuấn Anh

Là người đi trước, Công Vinh có trách nhiệm phải truyền đạt những kinh nghiệm cho các đàn em của mình là Công Phượng, Tuấn Anh và sắp tới có thể là nhiều cầu thủ nữa.

Đầu tiên, Công Vinh nhấn mạnh tới việc các đội bóng tại Nhật Bản đặc biệt chú trọng vấn đề thể lực: “Tại Sapporo, tôi được nếm cảm giác tập thể lực cường độ cao của họ. Sức mình chỉ tập được 4/10 các giáo án thể lực của BHL đề ra. Ở các đội bóng khác cũng vậy, họ tập trung vào thể lực rồi sau đó mới là rèn chiến thuật, kỹ thuật”.

Nói về thể lực, có lẽ hầu hết các cầu thủ Việt Nam đều phải lắc đầu ngao ngán với các bài tập của HLV Miura. Còn các chuyên gia, các HLV trong nước lại cho rằng việc ông thầy người Nhật liên tục nhồi thể lực là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cầu thủ chấn thương hay tái phát chấn thương.

Song, đến ngay cả một quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á như Nhật Bản vẫn rất chú trọng thể lực, thì đúng là bóng đá Việt Nam cần phải xem lại cách đào tạo, huấn luyện cầu thủ.

Trở lại câu chuyện của Công Vinh, chân sút đang khoác áo B.Bình Dương cũng có những chia sẻ về sự khác nhau liên quan đến chiến thuật giữa bóng đá Nhật Bản và Việt Nam: “Ở Việt Nam các cầu thủ đều phải tuân theo phải thích ứng với tư duy và trường phái chiến thuật riêng của từng HLV. Trong khi đó ở Nhật Bản từ khi còn tập bóng đến khi đá cho ĐT Nhật Bản đều thụ hưởng và thấm nhuần một chiến thuật đặc trưng. Chính vì thế, cầu thủ khi lên tuyển họ hòa nhập rất nhanh với lối chơi”.

Chia sẻ của Công Vinh rõ ràng là rất thực tế, bởi trong những lần tập trung ĐTQG, các cầu thủ thường mất rất nhiều thời gian làm quen với phong cách huấn luyện của các HLV khác nhau. Cũng không thể trách các cầu thủ bởi bóng đá Việt Nam vốn thay HLV trưởng như thay áo, người mới lên dẫn dắt thường xóa đi làm lại. Thế nhưng, nếu các cầu thủ trẻ từ khi mới học những bài học đầu tiên cho đến khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp có một tư duy và trường phái chiến thuật đặc trưng, mang tính bản sắc, chắc chắn sẽ khác.

Như vậy, cả 2 vấn đề lớn là thể lực và tư duy chiến thuật, đều là những hạn chế của cầu thủ Việt Nam, Công Phượng và Tuấn Anh không phải là ngoại lệ. Không có một nền tảng tốt, cả hai cầu thủ này sẽ phải thích nghi nhanh nhất có thể khi thi đấu tại J-League 2, nếu như muốn trụ lại ở giải đấu này trong 1 năm như bản hợp đồng đã ký.

Đang có những những rào cản và thách thức cực lớn dành cho Công Phượng và Tuấn Anh khi cả hai cập bến các đội bóng của J-League 2. Thế nhưng, cả hai cũng đang có những thuận lợi nhất định khi được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có Công Vinh. Tiền đạo xứ Nghệ nhấn mạnh rằng dù chuyến xuất ngoại sắp tới của Công Phượng. Tuấn Anh và nhiều cầu thủ khác có thành công hay thất bại, thì cá nhân các cầu thủ này cũng như bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Huy Phong