- Tình, lý và tiền đều chống lại HLV Miura. Giờ chỉ còn chờ đợi xem cách hành xử và sự tò mò: VFF hay ông Miura chủ động nói lời chia tay?

Sau trận ra quân thua U23 Jordan, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã rời Qatar về nước sớm, thay vì sát cánh động viên U23 Việt Nam. Ông Tuấn “tổng” vốn một tay thiết kế đưa ông Miura ngồi vào ghế HLV trưởng, chỗ dựa chắc chắn nhất tại VFF khi HLV người Nhật này chịu chỉ trích của người đồng cấp Đoàn Nguyên Đức và dư luận. Vậy nhưng, ngay khi U23 Việt Nam bể trận đầu, ông Miura thực sự đã cắt nốt sợi dây níu kéo mong manh còn sót lại ở VFF.

Sòng phẳng mà nói, chưa cần người thân tại VFF tỏ thái độ, ông Miura chẳng còn cơ sở nào để trụ lại chiếc ghế HLV trưởng. Tình, lý và tiền đều chống lại ông thầy người Nhật. VFF đã quá tình khi gạt chuyện cân nhắc tương lai của ông Miura khỏi chương trình nghị sự của đại hội thường niên. Thời điểm ấy, 2/3 vị trí trong Thường trực VFF đã công khai chê ỏng, chê eo ông thầy người Nhật, nhưng chấp nhận gác lại vì “đại sự” của U23 Việt Nam tại giải châu Á.

{keywords}
VFF đang gặp khó trong việc ứng xử với HLV Miura

Về lý lẽ, ít có ông chủ nào dễ chấp nhận kiên nhẫn cho ông Miura sau 3 giải đấu liên tiếp thất bại. Cá nhân ông Miura biết sức ép từ dư luận và hiểu rằng, chiến dịch tại Qatar là cơ hội vớt vát hi vọng trụ lại hoặc ít nhất là ra đi trong vinh quang. Vì thế ông thầy người Nhật mới nói cứng, tự tin tuyên bố U23 Việt Nam vào tứ kết trước lúc lên đường.

Về tài chính, VFF thực tế chỉ là người đứng trung gian, quản lý bởi lương bổng của ông Miura ngoài khoản rót từ Tổng cục TDTT, phần còn lại do một nhà tài trợ chống lưng. Sở dĩ VFF khó xử tương lai Miura cũng do không muốn mất lòng nhà tài trợ. Có điều khi hợp đồng sẽ đáo hạn vào tháng 4 tới, việc chia tay sớm gần 3 tháng và trong thế “thỏa mãn” mọi điều kiện, đó không còn là trở ngại.

Chia tay với ông Miura lúc này là tất yếu, kể cả vào tháng 3 tới, tuyển Việt Nam còn đá 2 trận thủ tục với Đài Loan và Iraq ở vòng loại World Cup 2018. Với một ông thầy ngoại như Miura, có lẽ VFF không đối xử kiểu tra tấn tinh thần như lần giữ bằng được HLV Hoàng Văn Phúc thêm 1 trận, cho dù ông Phúc đã xin từ chức ngay sau thất bại ở SEA Games 27. Ông Miura đáng được đối xử mã thượng sau khi đã giúp bóng đá Việt Nam ghi dấu ở Asian Games và có huy chương sau 3 mùa trắng tay liên tiếp tại AFF Cup và SEA Games.

{keywords}
Nhà cầm quân người Nhật Bản đối mặt với làn sóng chỉ trích từ phía người hâm mộ nước nhà.

Một đồng hương của ông Miura bật mí, ông thầy này từng đề nghị tìm bến đỗ mới từ cách nay vài tháng do không áp lực quá khủng khiếp của chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, sau cái cách ông Miura đổ lỗi cho học trò thiếu may mắn, non nớt và tự đánh rơi chiến thắng, không dễ để “cậy mồm” HLV này. Chưa kể những thiệt hơn về tài chính khi ông Miura chủ động xin từ chức.

Đối với VFF, cái khó nằm ở chuyện ầm ĩ trong nhà, chứ không phải tế nhị với ông Miura. Sa thải ông Miura nghĩa là phe thân Miura thừa nhận sai lầm. Tất nhiên, trong hoàn cảnh “đối phương” tố rằng không biết gì về quy trình tuyển chọn, mức lương của ông Miura thế nào khi được đặt vào ghế HLV trưởng, cắt hợp đồng sớm như thế là không dễ. Hóc búa nhất là bài toán chịu trách nhiệm cá nhân hay tập thể. Nó thậm chí còn rối bời hơn cả kịch bản tuyên bố giữ rồi gửi giấy sa thải của triều đại Falko Goezt.

Giữ ông Miura trụ lại ghế HLV trưởng là không thể. Nhưng chia tay ông Miura thế nào cho êm ấm, chừng ấy thôi đã đủ khó và… rắc rối.

Highlights: U23 Việt Nam 2-3 U23 UAE

Yến Nhi