- Không phải ngẫu nhiên mà cả Công Phượng lẫn Hữu Thắng- hai người xứ Nghệ- đều được bầu Đức tin tưởng, lựa chọn...

Người xứ Nghệ lâu nay thường tự hào/tự trào quê mình có hai “đặc sản”: bóng đá và cháo lươn/lươn cháo.

Cháo lươn/lươn cháo do dân tự lo, tự liệu. Chỉ một cái quán tranh tre nứa lá góc phố Cửa Nam – TP. Vinh mà ăn nên làm ra, nức tiếng xa gần. Cho dù ai đó cố tình hay hữu ý tung ra lời đồn đoán để hạ bệ, phá phách nhau kiểu “có ruồi” thì món “lươn nhiều hơn cháo” này ở Vinh vẫn cứ thu hút vô kể. Và lạ lùng ở Hà Nội hay đâu đó có trưng biển thật to “Lươn xứ Nghệ” cũng không hấp dẫn nổi ai, kể cả những người…gốc Nghệ luôn nhớ quê đến nao lòng!

{keywords}

Trong khi đó, “đặc sản” bóng đá lại là món quốc doanh chính hiệu. Bao cấp của tỉnh từ cuối…thế kỷ XX, theo lộ trình rút dần nghe rất có lý, đến nay vẫn cứ xài vài chục tỷ đồng/năm với tên gọi “dành cho đào tạo trẻ”.

Khác với món lươn, bóng đá xứ Nghệ nức tiếng gần xa ở tất cả các khâu: đào tạo trẻ, góp quân cho các đội tuyển quốc gia, các ngôi sao lóng lánh, các ông thầy giỏi, “chảo lửa” cả sân nhà lẫn sân khách, bạo lực sân cỏ, bán độ, lao lý…Nghĩa là thiên hạ có gì thì “choa” có nấy, mà toàn ở…đẳng cấp cao!

Chả thế mà trên sân Vinh trong mỗi trận đấu luôn có một tấm băng rôn căng sẵn, mặc định sẵn “Sông Lam – Niềm tự hào xứ Nghệ”. Có dịp, để khuyến khích dân mình hăng hái công việc, vị nọ đã đưa “tinh thần Sông Lam” ra làm gương.

Để rồi bùng lên sự tự ái của một số “tay bút”, rằng, sao lại có cái kiểu đề cao Sông-Lam-bóng-đá mà quên đi Sông-Lam-văn-nghệ quê nhà cũng đâu có kém gì thiên hạ!

Vậy nên, khó đâu thì khó, thích hay ghét, thắng cũng thế mà thua cũng rứa, “đời” lãnh đạo nào cũng không được lơ là bóng đá. Vì thế, trải qua không biết bao nhiêu bận “hết giận rồi thương”, hết tiền rồi lại có tiền, anh đi em về, mua mua bán bán, bóng đá xứ Nghệ tồn tại một mình một kiểu, không ra giàu cũng không thể nói do nghèo mà lận đận bét bảng, đậu vớt.

Nói một cách công bằng, tất cả những gì cần làm cho một đội bóng từ “chém đinh chặt sắt” vươn lên trở thành một thương hiệu mạnh của bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao Việt, lãnh đạo và từng người dân xứ Nghệ đã góp công làm ở mức cao nhất có thể, nghĩa là đã kịch trần.

Là để nói thêm rằng, niềm tự hào lâu nay hoàn toàn đúng nhưng đã trở nên không đủ, khi người khác, nơi khác, cách làm khác đã vượt lên và Sông-Lam-bóng-đá đang bị tụt lại rõ ràng trên bản đồ bóng đá Việt.

Hãy nhớ một người Nghệ không trưởng thành từ lò Sông Lam, là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của bóng đá Việt 2015 Nguyễn Công Phượng đang được tạo điều kiện tốt nhất để “tầm sư học đạo” và đó mới là cơ sở, cơ hội để vượt khung, vượt trần so với rất nhiều thế hệ đàn anh.

Một người Nghệ khác, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng vừa được giao cầm lái con thuyền ra biển lớn với kỳ vọng về những điều người đi trước chưa từng làm nổi.

{keywords}

Không phải ngẫu nhiên sự kiện này, hai con người này lại xuất phát cùng một lúc trong sự chào đón, tin cậy của đông đảo người hâm mộ cả nước và của một người đủ tâm trí, sức lực, là ông Đoàn Nguyên Đức trong bước đi căn cơ, có trọng tâm, trọng điểm như nhiều người đã biết.

Ông Đức từ thô sơ ban đầu, cộng với dàn sao xứ Nghệ, dàn sao Thái…làm nên một đội bóng Phố Núi, rồi làm nên một dàn trẻ đến cả lò Sông Lam có mơ cũng không dám! Thậm chí người đã bị Sông Lam bỏ đi cũng được rèn thành ngôi sao sáng hơn bất cứ ngôi sao nào của Sông Lam trước đó?

Nay ông lại cầm cờ, chọn tướng Sông Lam – đó mới chính là “Niềm tự hào xứ Nghệ” vậy, khi chính đội bóng đang loay hoay và người hâm mộ lâu nay vẫn chỉ tự hào suông, tự hào bằng…khẩu hiệu mà chưa tìm ra người làm, cách làm đúng đắn!

  • Châu Phú