- Trưởng BTC V-League Nguyễn Minh Ngọc được giữ lại, trong khi VPF giật về quyền phân công trọng tài từ Ban trọng tài. Không một ai bay ghế, làm tiếng nói của bầu Đức cũng vơi đi độ “thiêng”.
1.Bầu Đức công kích, nói xẵng: “Đuổi ông Mùi là xong, khỏi cần họp”. Nguồn cơn của những bê bối tại V-League, như cách nhìn nhận của bầu Đức, là xuất phát từ Ban trọng tài. Cụ thể là chiếc ghế chính chủ nhưng thiếu sự tin tưởng của Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi.
Bầu Đức không dễ để "xử" được Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi |
Bầu Đức nói vậy là thể hiện cho bức xúc của công luận. Họ muốn VFF giơ thẻ đỏ cho ông Mùi, sau những yếu kém mang tính hệ thống, kéo dài hết mùa này sang mùa khác. Thứ nữa, nghi ngờ về sự dung túng, bao che và tạo ra hệ luỵ chính là những sai sót của trọng tài theo chiều hướng tư tưởng không sạch, đậm mùi tiêu cực.
Giá trị của bầu Đức là tiếng nói. Chính xác là “góp gió” cho những thay đổi quyết liệt trong vấn đề trọng tài. Ít nhất thì việc VPF giành được quyền phân công trọng tài từ tay của Ban trọng tài đã là khác biệt. Họ chưa thể hạ bệ được ông Mùi, vì muốn hạ ghế Trưởng Ban trọng tài phải có sự thống nhất từ BCH VFF chứ không phải là một cá nhân như bầu Đức.
Tất nhiên cũng thẳng thắn, tiếng nói bầu Đức mạnh mẽ nơi công luận nhưng nhạt nhoà ở VFF- nơi ông nắm ghế Phó Chủ tịch. Đơn giản là màn thể hiện vai chính- Phó Chủ tịch tài chính- của bầu Đức không ổn như tiếng nói quyết liệt nơi công luận. Thế cho nên, bầu Đức không thể áp đặt ý tưởng của mình vào VFF, bởi chính phần còn lại của VFF cũng hoang mang khi nhìn vào những gì ông bầu phố núi thể hiện trên cương vị chính thức.
2. Khi VPF giữ bác đơn từ chức Trưởng BTC V-League của ông Nguyễn Minh Ngọc, ắt hẳn VPF đã phải tính toán rất kỹ lưỡng, bao gồm cả những “phản ứng phụ” từ quyết định này. Ông Ngọc thoát hiểm, và điều đó chắc chắn cũng không làm hài lòng một bộ phận công chúng đang ầm ĩ đòi truy cứu trách nhiệm của vị Trưởng giải.
Trạng chết thì Chúa cũng phải băng hà. Vì thế VPF mới không đồng ý thay Trưởng giải? |
Hãy phán xét công tâm: ông Ngọc đã phản ứng chậm chạp, cứng đơ khi sự cố nhơ bẩn trên sân Thống Nhất xảy ra. Ông Ngọc nhận lỗi và xin rút khỏi ghế Trưởng giải. Nhưng VPF cho rằng, lỗi và trách nhiệm của ông Ngọc tác thành từ nhiều yếu tố, chứ không riêng gì cá nhân vị Trưởng giải. Thế nên VPF giữ ông Ngọc yên vị, với lời nhắc nhở phải quán xuyến, linh động hơn trong công việc.
Thật ra thì VPF không chỉ giữ giá cho ông Ngọc. VPF cũng tìm cách giữ giá cho chính Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng. Bởi chình ình trên khán đài VIP sân Thống Nhất khi xảy ra sự cố là bầu Thắng, ông chủ của VPF. Bầu Thắng cũng... đơ người, hệt như Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc.
“Chém” Trưởng giải mà ngó lơ cho Chủ tịch HĐQT với lỗi tương tự thì còn gì để nói? Không thể bao biện rằng, bầu Thắng vướng luật mà không chỉ đạo, phản ứng nhanh để dập tắt sự cố. Nó cũng như chuyện đội bóng, thành tích bết bát thì chịu trách nhiệm đầu tiên là HLV trưởng chứ không phải anh thủ quân.
3. Bầu Đức mắng Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi xơi xơi nhưng đóng góp của ông bầu phố Núi cho VFF trên cương vị ông đảm đương là không nhiều. Bầu Thắng có “tâm tư”, nhưng rốt cục phải chịu theo cái thế mà ông đã vướng và vấp phải từ sự cố sân Thống Nhất.
Hai tính cách, hai ông bầu phải sống chung với sự thoả hiệp của bóng đá VN |
Những vướng mắc ấy không dễ gỡ, và sự đối lập giữa bầu Đức và bầu Thắng chính là cách hành xử: bầu Đức bất chấp để thổi lửa, còn bầu Thắng chấp nhận dịu đi kiểu lạt mềm.
Dù sao thì bật lên trên tất cả, quyền lực thoả hiệp mới là giá trị thống lĩnh và điều khiển bóng đá Việt Nam.
Khắc Hoàng