- Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng đã có nguyện vọng xin rút khỏi vị trí lãnh đạo công ty điều hành, tổ chức V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp. Ông chủ mới của VPF nhiều khả năng là gương mặt rất quen thuộc bóng đá Việt Nam.
Sau gala tổng kết mùa giải 2017, VPF sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2017-2020 vào ngày 3-12 tại Hà Nội. Đáng chú ý, VPF dự báo có xáo trộn lớn về nhân sự chủ chốt công ty và người đại diện cho VFF giữa số cổ phần chi phối.
Ông Võ Quốc Thắng đề đạt nguyện vọng rút khỏi ghế Chủ tịch HĐQT VPF |
Thông tin cho hay, đại diện phần góp vốn của VFF vào VPF là Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, ông Phạm Ngọc Viễn và Phó Tổng thư ký Đinh Thu Trang thì chỉ còn bà Đinh Thu Trang trụ lại. Hai ông Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngọc Viễn rút lui, thay thế bằng uỷ viên thường trực Trần Anh Tú và Tổng thư ký Lê Hoài Anh.
Việc VFF thay đại diện phần góp vốn chắc chắn là bước đi nhiều toan tính, có thể quyết định đến xáo trộn nhân sự chủ chốt ở VPF. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF, mới đây đã đề đạt nguyện vọng xin rút khỏi vị trí này. Lý do ông Thắng đưa ra là bận bịu với công việc kinh doanh.
Hiện cơ cấu nhân sự chủ chốt VPF còn “lăn tăn” một số vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, với việc VFF đưa ông Trần Anh Tú giữ quyền đại diện góp vốn ở VPF là phương án tối ưu nhất lúc này. Ông Tú là doanh nhân năng động, giàu kinh nghiệm trên thương trường.
Bầu Tú được VFF cử làm đại diện góp vốn ở VPF |
Với bóng đá, ông Tú là chủ xị các giải futsal, gần đây là mạnh thường quân cho giải VĐQG nữ, U15, U17 quốc gia. Cho nên, nếu ông Tú nắm một vị trí chủ chốt tại VPF cũng không phải điều quá bất ngờ.
Thực tế sau 2-3 mùa bóng gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, cần có những thay đổi ở VPF cho phù hợp với thời cuộc. VPF nắm quyền tổ chức V-League, nhưng trong mùa bóng 2017, có nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ.
Thách thức phía trước của VPF là việc tìm ra nhà tài trợ chính cho V-League 2018. Bởi sau V-League 2017, nhà tài trợ Toyota gần như sẽ thôi không tiếp tục tài trợ. Việc tìm ra tài trợ chính trong bối cảnh V-League có nhiều “sạn” như mùa giải 2017 là chuyện không hề dễ dàng cho VPF.
Thách thức đầu tiên cho ê-kíp mới của VPF là tìm tài trợ cho V-League |
Từ khi ra đời năm 2011, VPF đã được giao miếng bánh thơm nhất để kiếm tiền là V-League. Mỗi năm, VPF chuyển cho VFF 10 tỷ phục vụ đào tạo trẻ và hoạt động của các ĐTQG, trong khi VFF nắm số cổ phần chi phối 34,5%.
Khắc Hoàng