- Với nhiều CĐV trung thành, mỗi khi nói tới xếp hàng mua vé xem các trận đấu lớn ở SVĐ Mỹ Đình thực sự là một nỗi ám ảnh. Họ phải thức trắng đêm điểm giữ chỗ, phải chen nhau tới nghẹt thở, nhưng chẳng phải ai cũng may mắn mua được vé…

Đi là mất chỗ

Từng tác nghiệp ở nhiều giải đấu lớn hay những trận giao hữu quốc tế tại SVĐ Mỹ Đình, người viết hiểu hơn ai hết nỗi khổ của các CĐV xếp hàng mua vé. Dù phải thừa nhận trong hàng nghìn người chờ được phát tích kê vào sân mua những tấm vé được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, có cả dân phe vé và sinh viên được thuê xếp hàng, nhưng CĐV trung thành cũng chiếm một phần không nhỏ.

Như lần tổ chức giải U19 Đông Nam Á năm 2014, rất nhiều người hâm mộ yêu lứa thế hệ tài năng của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, đã thức trắng đêm để giữ chỗ vào sân mua vé. Rồi những trận giao hữu với CLB Arsenal hay Man City, hàng nghìn fan chân chính cũng đã không ngủ chỉ được mong vào sân ngắm các thần tượng bằng xương, bằng thịt.

{keywords}

Cảnh chen lấn đến nghẹt thở trong ngày mở bán vé xem ĐTVN – Indonesia

Lịch thi đấu bán kết lượt về AFF Cup 2016

VietNamNet cập nhật lịch thi đấu và phát sóng trực tiếp vòng bán kết AFF Cup 2016.

Với những CĐV này, dù họ bị chèn ép, bị dân phe vé chen ngang hay thậm chí là dọa nạt, thì vẫn bám trụ tới cùng chứ không để mất chỗ. Nhiều CĐV chia sẻ rằng, có thức trắng đêm dưới trời rét buốt, có bụng đói cồn cào hay khát khô họng, đều chịu được.

Nhưng khổ nhất mỗi khi buồn đi vệ sinh thì ôi thôi chẳng khác nào phải chấp nhận mất chỗ. Do không có nhà vệ sinh công cộng trước khu vực sân Mỹ Đình, nên muốn đi “giải quyết” các CĐV phải đi thật xa sang bên kia đường. Nhiều người không chịu được “nỗi buồn” đã phải nhường lại chỗ đẹp mà mình xếp hàng vài tiếng đồng hồ trước đó. Vì thế, không ít người phải bấm bụng cố nhịn, hay giải quyết ngay tại chỗ bằng “phương pháp thủ công” là những lon, chai nước…Với những ai có kinh nghiệm đi mua vé, thường đi theo nhóm, vừa vui lại vừa giữ được chỗ cho nhau mỗi khi cần giải quyết “chuyện riêng”.

Hôm bán vé trận bán kết lượt về giữa ĐTVN vs Indonesia, có rất nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt về xếp hàng. Đó là chuyện một nhóm CĐV đã… mắc lều để ngủ qua đêm, nhưng chỉ được khoảng 1 tiếng là chiếc lều bị bẹp dúm vì bị người khác giẫm đạp.

{keywords}

Một CĐV đã phải bật khóc vì sợ hãi sau khi thoát khỏi đám hỗn loạn

Rồi những người ngủ gật tỉnh dậy thì mất hết cả giày dép, thậm chí là chăn. Trong đám đông có rất nhiều kẻ gian, luôn đợi lúc người xếp hàng sơ hở là móc túi lấy ví, điện thoại. Vì thế mới có một chuyện rất bi hài xảy ra với một CĐV là xếp hàng cả chục tiếng đồng hồ mới được vào sân mua vé, nhưng khi trả tiền chẳng thấy ví đâu, đành ngậm ngùi ra về.

Với những trận bóng đá lên cơn sốt vé, từ người già, trẻ em, học sinh, sinh viên, thậm chí cả những người đang có bầu cũng dậy sớm để xếp hàng mua vé.

Họ chuẩn bị sẵn phông bạt, đồ ăn, thức uống đến xếp hàng từ tối hôm trước. Cảnh vạ vật kéo dài đến tận trưa hôm sau và cùng với đó là những màn chen lấn “bẹp ruột”. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng may mắn mua được vé, dù họ đã vượt qua được tất cả những gian nan trên.

Thức trắng đêm vẫn… trắng tay

Đó là chuyện đến giờ nhóm bạn của Hoa, Nguyệt, Quân, Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn còn ấm ức. Với tình yêu bóng đá, 4 CĐV trẻ này đã lên kế hoạch đi “săn vé” xem ĐTVN tiếp Indonesia ở bán kết lượt về ngày 7/12.

{keywords}

Với kinh nghiệm nhiều năm xếp hàng mua vé, từ thời U19 tới những trận giao hữu của Arsenal, Man City… nên tất cả tin rằng họ sẽ mua được vé vào sân. Tất nhiên, nhóm CĐV này đã phải có mặt từ 23h đêm hôm trước và thay nhau thức một lèo tới sáng. Nhưng quyết định mở bán vé ở cổng phụ và cổng giữa đã khiến những nỗ lực các sinh viên này bị đổ xuống sông, xuống biển.

“Chúng tôi đã phải đến sớm cả chục tiếng để xếp hàng giữ chỗ, nhưng cuối cùng đứng đầu lại trở thành cuối hàng vì BTC mở cổng ở phía sau, thay vì phía cổng chính”, Hoa bực tức suýt phát khóc.

Điều đáng nói là trong khi những trận đấu có độ “hot” trước đây BTC thường có hàng rào sắt chắn ở phía ngoài để người hâm mộ xếp hai hàng mua vé, thì lần này tất cả cứ mạnh ai nấy vào, chen lấn nhau căng thẳng. Người đến sau thì vào trước, còn người đến trước thì phải chờ đến trưa, đến chiều, rồi khi được vào sân thì BTC thông báo… hết vé.

Trong đám người hỗn loạn, xô đẩy nhau chẳng khác nào một lễ hội đầu năm, có những CĐV đã bật khóc xin được rút lui, nhưng họ đã ở thế đi không được, ở chẳng xong. Có những CĐV bị đẩy như dính vào hàng rào sắt, miệng vừa kêu oai oái, vừa chửi bới tức giận.

Thực tế, BTC không hẳn là người có lỗi trong sự hỗn loạn ấy, mà do người xếp hàng không có ý thức, ai cũng muốn được vào trước để mua vé. Một nhân viên an ninh của BTC cười mà như mếu: “Chẳng hiểu sao họ xếp hàng cả đêm chờ được nhưng khi bán vé lại không kiên nhẫn đợi thêm 1-2 tiếng trong trật tự”.

Nên học mô hình nước ngoài

Từng sang Malaysia tác nghiệp nhiều giải đấu tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến cách bán vé rất chuyên nghiệp của BTC và cách xếp hàng của người hâm mộ cũng khác một trời một vực Việt Nam. Với sức chứa các SVĐ lên tới gần 100 nghìn chỗ, nhưng chưa khi nào có cảnh người xếp hàng quá tải. Đó là việc BTC mở cùng một lúc hàng chục quầy bán vé, dòng người xếp thành hàng 1 xoáy theo hình trôn ốc.

Ngoài ý thức, văn hóa xếp hàng, thì ở Malaysia cũng không có nhiều phe vé, vì thế mà những CĐV chân chính đều có thể vào sân xem bóng đá mà không phải lo mua vé đắt gấp 4-5 lần như ở Việt Nam.

Bài và ảnh: Song Ngư

Kỳ cuối: Cả làng đi “phe”, mua SH nhờ cơn sốt vé chợ đen

{keywords}