|
Dẫu biết rằng trước khi lên cầm vô lăng, người lái tàu phải tập trung cao độ để có thể điều khiển an toàn cho những cuộc hành trình. Dẫu vậy, nỗi ám ảnh từ những cái chết của người dân vẫn khiến họ day dứt mãi không thôi. Mặc dù phần lớn lái tàu không có lỗi. Họ, những người lái muốn gửi đến một thông điệp: Xin hãy tránh tàu, đừng để tàu phải tránh người.
Sau chuyến hành trình áp máy với tài xế Tuấn và Đại, chúng tôi tiếp tục có cuộc trò chuyện với những lài tàu kỳ cựu khi các anh rời xa đầu máy toa xe.
Nỗi ám ảnh mang tên… ‘tai nạn’
Đã mấy năm nay anh Lưu Quang Khải không còn thực hiện công việc lái tàu, anh đã chuyển sang làm Quản đốc phân xưởng vận dụng - Xí nghiệp đầu máy Hà Nội. Chẳng còn lái tàu nhưng công việc hiện tai của anh cũng gắn bó thường xuyên đối với những người lái tàu. Anh cũng đang dần cố quên vụ tai nạn kinh hoàng ở Hải Phòng những năm trước đây .
Quản đốc Lưu Quang Khải: 100% tài xế đều từng gây tai nạn chết người; trung bình mỗi ngày xảy ra 1 vụ tai nạn, tuần nào "may mắn" lắm thì chỉ có 3-5 vụ. Ảnh: Duy Tuấn |
Giờ đây, trong công việc hàng ngày của mình, anh chỉ có một ước muốn, không phải nhận được những cú điện thoại từ lái tàu thông báo: Tàu đâm chết người rồi anh ạ!
Anh chua chát khi nói đến “thành tích”: 100% tài xế đều từng gây tai nạn chết người; trung bình mỗi ngày xảy ra 1 vụ tai nạn, tuần nào "may mắn" lắm thì chỉ có 3-5 vụ; mỗi khi giao ban, cứ thấy báo cáo về các vụ tai nạn chết người là sởn hết da gà.
Khi hết việc ở cơ quan, quản đốc Khải lại về với gia đình. Nhưng anh chẳng thể yên tâm được. Những chuyến tàu vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình, với những bất cập trong hệ thống giao thông đường sắt hiện nay và ý thức kém của những người tham gia giao thông, chuyện tai nạn xảy ra là tất yếu. Anh sợ nhất là những cú điện thoại của anh em lái tàu đang điều khiển phương tiện, bởi phần lớn là thông báo tàu gặp sự cố, hoặc tai nạn xảy ra.
Những công nhân lái tàu: Hùng, Dũng và Đào Nguyên Ngọc (từ trái qua) trong buổi trò chuyện với PV VietNamNet. |
Đối với lái tàu Đào Nguyên Ngọc thì mãi mãi chẳng thể quên được vụ tai nạn làm 9 người chết và 16 người bị thương khi anh điều khiển chuyến tàu TN1 đi từ Hà Nội vào Sài Gòn. “Đó là một ám ảnh lớn của cuộc đời tôi”, anh Ngọc tâm sự.
Anh nhớ lại, lúc đó khoảng 10h sáng, anh điều khiển tàu chạy vào Nam, khi đi đến km 27+400, sát ngay Ga chợ Tía (Hà Nội) thì bất ngờ thấy một chiếc xe 24 chỗ chở rất nhiều người đi từ đường ngang không có gác chắn băng qua đường sắt.
Lúc đó anh chỉ kịp làm động tác kéo phanh hãm mức cao nhất, nhưng tất cả đã quá muộn do khoảng cách quá gần. Đầu tàu đã va vào nửa sau của xe. Khi đoàn tàu dừng lại hẳn thì anh nghe người lái phụ thông báo: "Chết hết rồi anh ơi!". Anh thấy ớn lạnh trên sống lưng.
Hình ảnh một bà cụ già ngồi trong xe vén bức màn che cửa kính, vừa nhìn thấy đoàn tàu thì cũng là lúc bị tàu đâm vào cứ ám ảnh trong người lái tàu này. Anh chẳng dám đến gần hiện trường tai nạn vì sợ mình chẳng chịu nổi. Cú điện thoại động viên của người vợ đã khiến anh lấy lại được phần nào tinh thần.
Lái tàu Bùi Mạnh Hùng: “Những hành vi xâm lấn hành lang an toàn giao thông đường sắt đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thể mà nó vẫn mặc nhiên tồn tại. Trong lúc đó, nếu trên đường bộ thì chỉ cần một lỗi vi phạm nhỏ thôi cũng đã thấy sự có mặt của cảnh sát giao thông rồi”. Ảnh: Duy Tuấn |
Sau vụ tai nạn đó, có những lúc vợ đã khuyên anh bỏ nghề lái tàu đi, thu nhập thì thấp, công việc thì quá nguy hiểm. Mặc dù vụ tai nạn đó chẳng phải lỗi do anh, nhưng 9 mạng người trong chiếc xe rước dâu khiến anh luôn dằn vặt nên sau đó anh đã xin chuyển sang làm ở một vị trí khác.
"Mày đâm chết bố vợ tao rồi!"
Đối với tài xế kỳ cựu Tạ Xuân Dũng, 32 năm lái tàu trôi qua, ông cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã gây ra bao nhiêu vụ tai nạn. Có những vụ ông nhớ, nhưng cũng nhiều vụ ông phải quên.
“Làm cái nghề này mà không có lòng yêu nghề thì chẳng thể làm tiếp được”, tài xế Dũng bộc bạch.
“Ngày xưa lương lái tàu bọn tôi có thể đủ nuôi cả gia đình. Nay phải tằn tiện lắm mới đủ chi phí. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu đầu máy toa xe thì nhiều người lái tàu đã bỏ việc rồi. Với tình trạng hạ tầng đường sắt hiện nay, tàu chạy song song với đường bộ, tàu chạy dưới mái hiên, trên vỉa hè, rồi hàng ngàn đường ngang bất hợp pháp vẫn nghiễm nhiên tồn tại thì chuyện tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ mỗi khi trở về mà không xảy ra chuyện gì thì mới thảnh thơi được. Nghề này không dành cho người yếu tim”, tài xế Dũng chia sẻ.
Hàng ngày, hàng giờ, những vi phạm hành lang ATGT đường sắt vẫn diễn ra gây mất an toàn cho những chuyến tàu và có thể phải trả giá bằng mạng sống của những người vi phạm. |
Hàng vạn những hiểm họa trên đường sắt vẫn diễn ra mỗi ngày. Theo như thống kê của Ban ATGT đường sắt thì toàn hệ thống ĐSVN có gần 3.000 km đường sắt, nhưng có tới 6.267 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ (đường ngang). Trong số đó, chỉ có 1.542 đường ngang hợp pháp, còn lại 4.725 đường ngang là bất hợp pháp. Còn những con số về các công trình vi phạm thì không thể kể hết.
Ngành đường sắt dường như cũng “bó tay” với những hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật này. Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban ATGT đường sắt nói rằng, ngành cũng chỉ biết kiến nghị với các cơ quan chức năng khác, chứ chẳng có chế tài cho phép ngành đường sắt xử lý.
Là người có tới 30 năm thâm niên trong nghề lái tàu, sau bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra đối với bản thân cũng như đồng nghiệp, lái tàu Bùi Mạnh Hùng cảm thấy khó hiểu trong việc xử lý vi phạm đường sắt: “Những hành vi xâm lấn hành lang an toàn giao thông đường sắt đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thế mà nó vẫn mặc nhiên tồn tại. Trong lúc đó, nếu trên đường bộ thì chỉ cần một lỗi vi phạm nhỏ thôi cũng đã thấy sự có mặt của cảnh sát giao thông rồi”.
Họ, những người lái tàu vẫn đang phải điều khiển những chuyến tàu với muôn vàn hiểm họa có thể dẫn tới chết người. Đến giờ, những công nhân lái tàu ở Xí nghiệp đầu máy Hà Nội vẫn chưa thể quên được câu chuyện đau lòng khi nạn nhân lại là người thân của đồng nghiệp mình.
Điểm đen đường ngang bất hơpk pháp giao cắt với đường sắt trên cung đường Hà Nội - Phủ Lý, nơi xẩy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa và chiếc xe rước dâu khiến 9 người chết, 16 người bị thương. |
Ngày đó lái tàu Đinh Công T. có bố vợ lên thăm. Khi lên giao ban trên cơ quan để xin phép về nhà tiếp đón bố thì anh cũng nhận được thông tin là đồng nghiệp của mình là lái tàu Phạm Hồng H. vừa gây ra vụ tai nạn chết người ở tuyến Hà Nội - Phủ Lý.
Nhưng rồi khi nhận được điện thoại của vợ báo là bố bị tàu đâm chết thì anh mới biết là tai họa đã ập đến người thân của mình. Anh chỉ kịp nói với H.: Mày đâm chết bố vợ tao rồi!
Cũng có những lái tàu khi gặp sự cố, mặc dù, nhìn thấy trước mũi tàu là anh trai của bạn mình nhưng cũng chẳng thể làm sao mà tránh được. Đó là những đau đớn không thể quên được...
Nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn chết người hàng ngày vẫn hiện hữu trong mỗi người lái tàu. Trong quá trình đợi chờ ngành đường sắt và Nhà nước có những biện pháp giảm thiểu tai nạn hữu hiệu hơn, thì các anh, những công nhân lái tàu chỉ mong sao toàn bộ người tham gia giao thông trên những khu vực có đường sắt hãy nâng cao ý thức về giao thông, để không còn xảy ra tai nạn.
“Xin mọi người hãy tránh tàu, đừng để tàu tránh người. Vì lúc đó, hầu hết không còn kịp nữa!", tài xế Hùng thổ lộ như một lời van xin.
Duy Tuấn - Hoàng Sang
Cùng lái tàu vượt 'cung đường chết'
Lãng mạn... 'nảy sinh' từ đầu máy hỏa xa
Những pha thắt tim trong buồng lái tàu hỏa