Theo thông tin trên cổng chính phủ Trung Quốc hôm nay, nước này sẽ tiến hành cái mà họ gọi là các cuộc tuần tra ngư nghiệp xung quanh quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực tranh chấp khác ở Biển Đông.


Tàu ngư chính hộ tống tàu cá Trung Quốc. Ảnh: THX

Trong khi đó, Tân hoa xã đưa tin, Vũ Trang, phụ trách cục ngư nghiệp Biển Đông nói rằng, các chuyến tuần tra ngư nghiệp thông thường ở khu vực quần đảo Trường Sa sẽ là "ưu tiên hàng đầu" trong năm 2013. Vị này nhấn mạnh, nhiệm vụ này là để đảm bảo "lợi ích hợp pháp của ngư dân Trung Quốc".

Các nguồn tin cho hay, Trung Quốc cũng sẽ "tăng cường" tuần tra thường xuyên đặc biệt gần quần đảo Trường Sa, trong khi lực lượng thực thi luật pháp sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các khu vực khác ở Biển Đông trong đó gồm cả đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough mà họ đang tranh chấp với Philippines) .

Năm ngoái, các tàu tuần tra của cục Ngư nghiệp Trung Quốc được điều động ra biển với số ngày kỷ lục - 183 ngày.

Kể từ năm 2009, các tàu cá và chính sách ngư nghiệp của Trung Quốc thường xuyên được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông. Nhiều vụ việc xảy ra cho thấy hoạt động của các tàu cá Trung Quốc cũng như việc thực thi luật pháp liên quan tới các hoạt động này ở khu vực Thái Bình Dương đang là một phần gai góc nhất trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hàng hải.

Ở Trung Quốc đang hình thành cái gọi là khai thác ngư trường gắn với chủ nghĩa dân tộc, vì tài nguyên đi kèm với những tranh cãi về chủ quyền đang là tâm điểm trong chiến lược gia tăng sức mạnh biển ở khu vực Đông Á.

Theo giới phân tích, bên cạnh nguy cơ khai thác không bền vững, vai trò của Trung Quốc trong ngư nghiệp còn có những ảnh hưởng về an ninh quốc tế. Đầu tiên, sẽ là một tuyên bố khá hợp lý rằng, đội tàu đánh bắt đang ngày càng được mở rộng của Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội to lớn để tăng cường "nhận thức hàng hải’’ tại một số vùng biển nhạy cảm về chiến lược, kéo dài từ Ấn Độ Dương tới Trung tâm Thái Bình Dương.

Nếu Trung Quốc thông qua quan điểm phát triển hải quân trong những thập niên tới, với sự hiện diện mở rộng tại Ấn Độ Dương và vùng biển châu Phi, thì sau đó, các đội tàu đánh bắt sẽ có vai trò quan trọng trong “nâng cao nhận thức hàng hải’’.

Thứ hai là các tàu đánh bắt lớn của Trung Quốc sẵn sàng trở thành lực lượng “dân quân” hàng hải để có thể hỗ trợ trong một chiến dịch quân sự nếu cần thiết. Sự “chuyển hướng” của một số tàu đánh cá Trung Quốc có thể là thách thức với bất cứ đối thủ nào nỗ lực chống lại chiến lược này.

Cuối cùng, có một khả năng gần như chắc chắn rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển các tàu đánh bắt không vũ trang hoặc tàu giám sát ngư trường để đối phó với những tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển còn tranh chấp.

Bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết vùng biển này. Chính do yêu sách phi lý ấy, mà gần đây Philippines đã quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án luật biển quốc tế.

Thái An (theo GMA)