- Tôn vinh Võ Nguyên Giáp, nhân dân cũng khẳng định đòi hỏi chính đáng của mình về những phẩm chất đối với người lãnh đạo đất nước: có lòng yêu nước, có trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách đủ để gánh vác sứ mệnh được giao.
Cùng VietNamNet tiếp tục điểm lại những vui buồn 2013:
3 - Về tình hình kinh tế - xã hội.
Trong năm 2013 có một hiện tượng mới là trên các diễn đàn chính thức, các cơ quan và quan chức có trách nhiệm đã công khai phê phán chất lượng báo cáo thống kê và nghi ngờ các số liệu được đưa ra cũng như ý nghĩa những tín hiệu mà nó cần phát đi.
Ảnh: Minh Thăng |
Ví dụ như nếu chỉ qua số liệu về chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn kế hoạch vài phần nghìn thì không thấy được, dù một phần nhỏ những căn bệnh trầm kha mà nền kinh tế nước ta đang mắc ngày một nặng. Những chủ trương lớn đã được đề ra và nhắc đi nhắc lại về mô hình phát triển, về tái cấu trúc, về đầu tư, về tạo công việc làm, giảm nợ xấu, nợ công, nhập siêu, về quản lý đất đai, môi trường... đều đã không được thực hiện hoặc không thực hiện được.
Người dân không đánh giá tình hình kinh tế xã hội qua các con số khô khan và không đủ tin cậy, mà cảm nhận tình hình chủ yếu từ cuộc sống thực của bản thân, gia đình và người xung quanh, từ những điều họ nghe thấy, nhìn thấy. Cảm quan của một người có thể mang nhiều yếu tố chủ quan, nhưng cảm nhận phổ biến của cả cộng đồng thì đáng tin cậy. Người xưa nói “ý dân là ý trời” là vì vậy.
Không cần thiết phải điểm lại những mảng tối trong bức tranh chung như: Thất nghiệp tăng, thu nhập giảm, chi phí sống tăng, sức mua kiệt quệ, chậm khắc phục những vấn nạn trong giáo dục, y tế, văn hóa xã hội; tai nạn giao thông, tình hình tội phạm, sự xuống cấp đạo đức xã hội ngày một nặng nề; phân cực giàu nghèo ngày một lớn... khiến nhân dân không yên lòng.
Trong điều kiện đó, đưa ra một vài con số tạo lạc quan, những thông tin không đầy đủ thì không những không thuyết phục được ai, mà trái lại chỉ làm tăng tâm trạng hoài nghi, không tin tưởng của nhân dân vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý và truyền thông chính thức.
4- An ninh chính trị và bảo vệ Tổ quốc.
Các báo cáo chính thống khẳng định an ninh chính trị được giữ vững cũng không sai, nếu so sánh tình hình nước ta với nhiều nơi khác trên thế giới có biến động và xung đột chính trị dữ dội. Nhưng nếu xét tình hình những gì đang tích tụ, dồn nén lại, do giàu nghèo phân cực, do mâu thuẫn lợi ích cơ bản, do những yếu kém của bộ máy và cán bộ, do mưu đồ của những thế lực trong và ngoài nước muốn chúng ta yếu đi vì xung đột để dễ bề chi phối… nếu xét theo những khía cạnh đó, thì cũng có thể nói an ninh được giữ, nhưng không vững.
Năm 2013 đất nước có nhiều hoạt động đối ngoại liên tục, đã xác lập, tái xác lập, nâng cấp những mối liên hệ của Việt Nam với các đối tác, tạo ra thuận lợi tiềm năng cho sự phát triển nhiều mặt của đất nước và củng cố thế cân bằng trong các mối quan hệ quốc tế. Tiềm năng quốc phòng của đất nước được tăng cường. Những điều đó chứng tỏ lập trường quyết tâm bảo vệ những lợi ích sống còn của quốc gia trước bất cứ kẻ thù nào.
Các mối quan hệ quốc tế ngày càng không đơn giản; các thế lực theo đuổi những mục đích trái ngược với lợi ích của đất nước ta ngày càng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, đeo nhiều loại mặt nạ, nói nhiều giọng điệu, ngụy tạo nhiều vai diễn. Vì vậy, cần sự tỉnh táo, tinh tường, tầm nhìn chiến lược, toàn cục, bản lĩnh quyết đoán của ban lãnh đạo, biết thực sự xem lợi ích chính đáng của dân tộc là mục tiêu cao nhất, mọi hoạt động khác phải phục tùng mục tiêu này.
Chỉ trong điều kiện phát huy được sức mạnh dân tộc thì mới có thể tận dụng được sức mạnh thời đại. Câu nói cay đắng của Hồ Nguyên Trừng trên sáu thế kỷ, khi đất nước đứng trước thảm họa xâm lược quân Minh vẫn luôn luôn là một lời cảnh báo đối với đời sau: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không mà thôi”. Nhân dân ta vốn yêu nước nồng nàn, sẽ có sức mạnh khôn lường nếu thống nhất mục tiêu và nhận thức với nhau và với ban lãnh đạo đất nước về quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, phẩm giá, danh dự, cuộc sống trước mọi thế lực xâm lược. Muốn vậy, họ cần có căn cứ để hiểu và tin tưởng về chiến lược sách lược bảo vệ Tổ quốc.
5- Cụ Võ Nguyên Giáp qua đời.
Cụ Võ qua đời là sự kiện không được hoạch định, nhưng cũng không bất ngờ. Điều bất ngờ đối với một số người là lòng quý trọng và sự thương tiếc chân thành của đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Cụ, tầm ảnh hưởng chính trị - xã hội của Cụ bộc lộ một cách mạnh mẽ và thuyết phục trong dịp lễ tang.
Ngày 13/10, người dân Hà Nội đứng chật hai bên đường trong giờ phút tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Tầm lớn lao của Cụ Võ, ảnh hưởng của Cụ đối với dân tộc và nhân loại, đã được nhận biết từ khi Cụ sống. Cùng với thời gian, những sự thật mới được khẳng định và nghiên cứu, đánh giá khách quan, đầy đủ hơn, nhất định những giá trị đó sẽ càng được khẳng định sâu sắc, mạnh mẽ hơn.
Nhân dân yêu quý người con vĩ đại của mình, không chỉ vì những cống hiến của Cụ, không chỉ vì cốt cách trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của người lãnh đạo chính trị đích thực, không chỉ vì những khó khăn Cụ phải nếm trải.
Tôn vinh Võ Nguyên Giáp, nhân dân khẳng định và tôn vinh những giá trị lớn lao của lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước mà Cụ Võ đã hiến dâng toàn bộ đời mình. Trong cuộc chiến đấu đó người dân đã phải gánh chịu bao nhiêu hy sinh, mất mát, đau thương, bi kịch, trong đó có những sai lầm phải trả giá đắt, dù hạnh phúc tự do chưa trọn vẹn, dù con đường đi tới tương lai còn nhiều trắc trở. Nhưng một khi nhân dân đã đóng dấu son cho cuộc chiến đấu đó, thì không thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ định.
Tôn vinh Võ Nguyên Giáp, nhân dân cũng khẳng định đòi hỏi chính đáng của mình về những phẩm chất cần có đối với người lãnh đạo đất nước: có lòng yêu nước, có trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách đủ để gánh vác nhiệm vụ, sứ mệnh được giao.
Tinh thần Võ Nguyên Giáp không chỉ góp phần tạo nên những giá trị lâu dài của dân tộc ta mà còn có thể có vai trò rất to lớn đối với nhân dân ta trong thời điểm hiện nay, trước những thời cơ và thách thức đang ngày một hiển hiện rõ rệt, không thể trì hoãn, né tránh.
Bùi Đức Lại