- Hàng loạt các vụ phát hiện người chăn nuôi bỏ chất cấm tạo nạc có khả năng gây ung thư khiến dư luận hoang mang. Vì sao người chăn nuôi nhẫn tâm "đầu độc" đồng loại như vậy?

Ám ảnh chất cấm trong chăn nuôi

Trong đợt kiểm tra tháng 8, 9/2015 ở các chợ Hà Nội và TP.HCM, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phát hiện một số mẫu thịt lợn có dư lượng Sabutamol, Sulfadinidine và Salmonella vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, các chất cấm, chất kháng sinh không chỉ bị phát hiện ở thịt lợn mà còn có cả ở thịt gà. 

Ngày 16/11/2015, khi tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất cám của công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú ở km 50, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương), đoàn kiểm tra cũng phát hiện 7/8 mẫu (87%) cám cơ sở này “dính” chất cấm tạo nạc Salbutamol.

Thậm chí có mẫu dư lượng tới 3.703 ppb, gấp 75 lần mức cho phép (ngưỡng máy phát hiện dương tính với chất cấm).

{keywords}

Lực lượng liên ngành bắt quả tang, xử lý, niêm phong với các lô hàng vi phạm chất cấm của công ty Trường Phú ngày 16/11/2015. (Ảnh: Tiền phong)

Bàng hoàng với kết quả trên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) phải thốt lên: "Tồn dư chất vàng ô và Salbutamol đều có thể gây ung thư. Cứ kiểu này, thì đời con cháu làm sao sống nổi"- thông tin trên báo Tiền phong.

Cuối năm 2015, Đoàn công tác liên ngành đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm, bao gồm: Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (KCN Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương), Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân, TPHCM).

Theo hóa đơn, công ty Trường Phú đã mua 2 thùng hóa chất vàng ô ở phố Hàng Buồm (Hà Nội), với giá 120-170 nghìn đồng/kg.

Dù xưởng nhỏ nhưng công ty Trường Phú có cả chục loại bao bì in sẵn với thương hiệu “Sunvina”, và quảng bá “sản xuất theo công nghệ Mỹ - USA” dành cho lợn thịt, gà, ngan, vịt thịt…

Theo ông Dũng, điều quan trọng nhất là phải tìm ra gốc rễ, tìm ra đường dây, ai buôn bán, ai sử dụng vẫn chưa biết, số lượng nhiều hay ít…

Cũng bị phát hiện trong đợt này, đại diện Nhà máy Chế biến Thức ăn chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long cho biết, đơn vị này chỉ là nơi gia công cho công ty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Toàn bộ công thức, nguyên liệu đầu vào, nhà kho chứa đều do công ty Việt Nhật cấp.

Thông tin trên báo Tiền phong, ông Dũng cho biết, các đối tượng vi phạm rất tinh vi, phải sử dụng nghiệp vụ trinh sát của công an mới định vị và bắt quả tang tận nơi.

“Họ còn dùng thủ đoạn máy ghi âm và mua chuộc lực lượng thanh tra, nhưng chúng tôi cương quyết làm nghiêm để răn đe, làm đến nơi đến chốn”- ông Dũng nói rõ.

Vì lợi nhuận, nhẫn tâm hại đồng loại?

Mỗi con heo có sử dụng chất cấm cao hơn heo nuôi bình thường từ 2.000 - 3.000đ/kg. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng không phải được hưởng hết vì họ phải chi phí mua chất cấm; heo sử dụng chất cấm chậm lớn hơn heo nuôi bình thường.

Qua xác minh, các ngành chức năng phát hiện, chính thương lái là người xúi giục người chăn nuôi heo.

Heo sau nhốt và dùng chất cấm 10-30 ngày, sẽ tăng trọng 20-30kg/con, đạt trọng lượng 130-140 kg/con. Trừ chi phí, thương lái lời khoảng 500.000 đồng - 1 triệu đồng/con. Các thương lái cũng quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 8/2015, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nói rõ: "Có tình trạng thương lái ép người nuôi dùng chất cấm, bung đùi, nở mông cho lợn đẹp, dễ bán. Một số địa phương không kiểm soát chặt".

Chất cấm đang sử dụng phổ biến thuộc nhóm Beta Agonist (gồm Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine). Theo ông, nếu kiểm tra chất cấm qua nước tiểu, chỉ mang tính định tính.

Thông tin trên VOV, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không phải là siêu lợi nhuận. Đây là do thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam tạo cho người nuôi heo nhu cầu sử dụng chất cấm đó. Còn khi người ta chấp nhận sử dụng chất cấm thì phải có lời hơn.

Thông tin trên Dân trí, ông Phạm Tiến Dũng nói thêm, các cơ sở vi phạm đã bị phạt tiền và buộc phải ngừng sản xuất sản phẩm vi phạm từ 1-3 tháng. Các doanh nghiệp (DN) cũng buộc phải thu hồi và tiêu hủy thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chất cấm.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận điều này mới chỉ là xử lý được phần ngọn. Ngay như trong vấn đề thu hồi và tiêu huỷ, hiện vẫn chưa giám sát được DN có thu hồi hay không.

"Mà nói cho cùng, nếu DN có ý thức và nghĩ đến lợi ích của cộng đồng thì họ đã không sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi", ông Dũng thẳng thắn.

Ông Bình thì trăn trở: "Tôi chỉ đặt dấu hỏi là những con heo có sử dụng chất cấm chỉ cần nhìn bằng mắt thường là cán bộ thú y người ta biết nhưng người ta không xử lý được".

Theo ông Dũng, điều đáng lo ngại là việc xử lý heo được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi có chất cấm vẫn chưa được tiến hành triệt để.

"Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hủy diệt sức khỏe con người là tội ác và phải xử lý hình sự thì mới có tính răn đe. Do đó, người sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi cần phải ký cam kết không sử dụng chất cấm để nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng", ông Dũng bày tỏ.

Để tránh lạm dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, ngày 23/3, Bộ Y tế quyết định đưa salbutamol vào diện kiểm soát đặc biệt.

Salbutamol là chất bị cấm dùng trong chăn nuôi từ năm 2014. Theo các chuyên gia, khi sử dụng Salbutamol làm trộn vào thức ăn để tạo nạc, người tiêu dùng ăn phải thịt này có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Khi tác động vào hệ cơ, hệ mạch sẽ gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch, nếu sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất tạo nạc, có khả năng tử vong.

Đ.Bảo (tổng hợp)