- Trong lúc chờ đợi luật sửa đổi xử phạt hành vi liên quan đến buôn bán, sử dụng chất cấm, ngay trong tháng 2/2016 quy định về việc tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện sử dụng chất cấm đã có hiệu lực.
6 tấn salbutamol được buôn lậu?
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây chất cấm được sử dụng công khai, ngang nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi đánh giá được mức hại nghiêm trọng của chất cấm trong chăn nuôi đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các ngành liên quan đã rốt ráo vào cuộc nên có chuyển biến giảm rõ rệt.
Thịt heo sử dụng chất cấm bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ |
Tuy nhiên, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: thời gian qua việc sử dụng chất cấm có biểu hiện giảm nhưng vẫn diễn ra khá phức tạp.
Ông Việt đưa ra dẫn chứng về số liệu, đầu năm 2016, cơ quan chức năng kiểm tra 40 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía Bắc thì có đến 18 công ty vi phạm, xử phạt 2,6 tỷ đồng.
Ông Việt nói thêm, Cục Thú y lấy 1.457 mẫu nước tiểu để kiểm tra thì dương tính 10% mẫu có chứa chất cấm, trong khi lấy 1.026 mẫu nước tiểu thì có đến 69 mẫu có chất salbutamol chiếm 6,7%.
Dẫn chứng số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho thấy, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về VN. Chỉ có 3 trong số 9 tấn Sabutamol được cấp phép nhập khẩu sử dụng vào mục đích sản xuất thuốc.
Vậy hơn 6 tấn Sabutamol đang ở đâu? ông Việt lý giải: chất cấm Salbutamol (được dùng để sản xuất thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn) do quản lý không chặt chẽ và lợi nhuận quá cao, nhập với giá 1,5 triệu đồng/kg nhưng giá bán tới tay người chăn nuôi lên đến 15 triệu đồng/kg, các doanh nghiệp nhập khẩu đã tuồn chất này ra bán cho ngành chăn nuôi nhằm thu lợi nhuận "khủng".
“Đây là kết quả của công tác quản lý lơ là, để chất cấm ở trong kho của công ty dược trôi nổi ra thị trường và ngoại trừ hành vi buôn lậu...”- ông Việt nhìn nhận.
Phạt tù 20 năm nếu buôn bán chất cấm
Về giải pháp ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, nhiều chuyên gia cho rằng cần cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương vào cuộc xử lý cùng sự cảnh giác của người dân.
Đã có chế tài mạnh trong xử lý hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm |
Ông Việt nói, sabutamol trong chăn nuôi đang âm thầm gây họa cho người sử dụng, hậu quả sẽ khôn lường đối với giống nòi nhưng trên thực tế, chế tài xử lý những đối tượng vi phạm chưa đủ sức răn đe.
“Mức phạt đối với các trang trại chăn nuôi heo vi phạm sử dụng chất cấm chỉ có 15 triệu đồng, còn đối với các hộ chăn nuôi chỉ 7,5 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm thì người chăn nuôi sử dụng chất cấm vẫn có lợi hơn nhiều.”- ông Việt nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho hay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trở nên đáng báo động, cuối năm 2015 ngành nông nghiệp Đồng Nai và TP.HCM đã đề xuất áp dụng biện pháp “tiêu hủy cả đàn heo” thay vì xử phạt hành chính.
“Việc tiêu hủy sẽ có sức răn đe lớn với đối tượng vi phạm, nhưng áp dụng lại rất khó. Bởi tiêu hủy cả đàn heo, theo quy định về môi trường, là không dễ dàng với nhiều thủ tục và rất tốn kém” - ông Quang thừa nhận.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7, hành vi sử dụng và buôn bán chất tạo nạc cấm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng bằng biện pháp xử lý hình sự.
Theo đó, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, thậm chí có thể lên đến 20 năm.
Như vậy với những quy định đã được sửa đổi, thời gian tới sẽ có đủ cơ sở để xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy tố hình sự, chứ không chỉ là phạt hành chính như trước.
“Hiện nay trong lúc chờ đợi luật sửa đổi xử phạt hành vi liên quan đến buôn bán, sử dụng chất cấm thì trong tháng 2/2016 quy định về việc tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện sử dụng chất cấm đã có hiệu lực”- Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Như Sỹ