- “Ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ” là câu cửa miệng để nói về công việc của những người chuyên đào giếng thuê ở Tây Nguyên mùa khô hạn.
Không “dễ ăn”
Cái nắng cao điểm mùa khô Tây Nguyên làm cho mặt đất đâu đâu nhìn cũng khô cháy, nứt nẻ, cỏ cây trơ trụi lá. Cái nóng hầm hập hắt vào rát mặt người. Ao hồ, sông suối, giếng nước khắp nơi cạn khô khốc. Nhưng mùa khô đến lại là mùa kiếm ăn tất bật của thợ đào giếng.
Cạnh con đường trung tâm xã Ea Tar (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), thợ đào giếng Nông Văn Quyến chui lên từ lòng giếng sâu hoắm, mặt mày lấm lem bùn đất.
Giếng ông Quyến đang nhận đào, xuống sâu gặp đá bàn, giá lên tới 6 triệu đồng/m. Nghe vậy nhưng không “dễ ăn” |
“Đây đã là giếng thứ 30 tụi tui nhận đào từ đầu mùa hạn tới nay. Giếng đào sâu hơn 25m rồi nhưng vẫn chưa có nước”, người đàn ông đưa tay quệt mồ hôi nói thở hắt ra.
Ở huyện này, ông Quyến là thợ đào giếng có uy tín với bà con với ngót nghét 30 năm làm nghề. Ông cùng một người quen là Trần Văn Hòa hùn tiền mua đồ nghề đứng ra lập tổ rong ruổi khắp nơi, cứ ở đâu người dân thuê là 2 người có mặt.
Công việc dường như vất vả hơn theo năm tháng. Trước đây, giếng ở những vùng đất trũng ướt, ông Quyến chỉ cần đào chừng 5-7m, ở vùng đồi cao thì đào khoảng 10-15m là đã tha hồ nước dùng.
Nay, khô hạn ngày một kéo dài, nước ngầm ngày càng tụt sâu, thợ đào giếng phải đào sâu vào lòng đất 25-30m vẫn không tìm thấy nước.
Vất vả nhưng công đào giếng rất rẻ mạt, chỉ khoảng 180.000 - 200.000 đồng/m đất đào sâu. Nay khô hạn, mỗi mét đất đào xuống giá 600.000 đồng. Càng xuống sâu giá càng cao.
Giếng ông Quyến đang nhận đào, xuống sâu gặp đá bàn, giá lên tới 6 triệu đồng/m. Nghe vậy nhưng không “dễ ăn”.
“Đào giếng đều có luật, nếu đào có nước thì chủ nhà mới thanh toán tiền, không có nước thì tiền chia đôi thợ chỉ nhận được một nửa. Mùa khô năm nay, hơn nửa số giếng tui nhận đào đều phải chia tiền công vì đào không có nước”, ông Quyến kể.
Trong một rẫy cà phê ở buôn Tul, xã Ea Tul, hai cha con AMa Zet đang thay nhau còng lưng quay tời đưa đất từ dưới giếng sâu lên. Sâu dưới giếng, AMa Vin hì hục đào đất.
Ama Vin tay không chui xuống giếng sâu |
Ở trên, sau khi đổ sọt đất đá nặng trĩu, Ama Zet móc sọt vào sợi dây cáp rồi từ từ quay tời đưa xuống đáy giếng. Ama Vin lại xúc đầy đất vào sọt rồi lắc mạnh sợi dây cáp để phía trên biết mà tời lên.
Cứ như thế, tổ thợ của Ama Zet đã đào sâu vào lòng đất một giếng sâu khoảng 20m, đường kính 1m, liên tục trong 5 ngày.
Chui từ dưới lòng đất lên, Ama Vin người lấm lem bùn đất sau 4-5 tiếng liên tục đào giếng.
“Dưới độ sâu cả chục mét khó thở lắm. Khoảng 1-2 tiếng người khác phải xuống đào thay để người dưới giếng lên hít thở không khí”, Ama Vin cho hay.
Để tiết kiệm thời gian, nhóm thợ Ama Zet mang nồi niêu, thức ăn để nấu ăn ngay tại rẫy cà phê. Ăn xong, họ lại chui ngay vào lòng đất với hi vọng đào nhanh có nước để nhận tiền công.
Đối mặt Diêm vương
Gần 30 năm trong nghề đào giếng, ông Nông Văn Quyến đã không ít lần chết hụt. Ông kể, người làm nghề đào giếng sợ nhất sợ nhất là nhận đào, vét những giếng nước cũ. Bởi những giếng này ngâm nước lâu nên thành đất thường nhão, khi thợ chui xuống đào, chấn động là có thể đổ sập, chôn sống thợ bất cứ lúc nào.
|
Thợ đào giếng thủ công, dùng tay lắc sợi cáp để báo tín hiệu cho đồng đội |
"Mỗi lần đặt chân xuống đáy giếng cũ, cảm nhận lớp đất ướt mềm nhũn là thợ chúng tôi lại thấy lạnh sống lưng, trong đầu xuất hiện ý nghĩ sẽ bị lớp đất phía trên đổ ập xuống đầu chết lúc nào không hay”, ông Quyến cho biết.
Mùa khô này, tổ của ông Quyến đã nhiều lần phải bỏ cuộc giữa chừng vì gặp phải giếng nước cũ, cứ hễ đào được vài ba phút là có một mảng đất hai bên thành giếng rơi xuống đầu.
“Với những giếng đào sâu khoảng 30m, chỉ cần một đá bằng đầu ngón tay hay cục đất rơi xuống trúng người là đau ê ẩm. Xui rủi, bị những hòn đá to cỡ nắm tay rơi trúng thì coi như toi đời. Mỗi lần chui xuống giếng sâu là như chui vào địa ngục nguy hiểm”, ông Quyến tâm sự.
Anh Trần Văn Hòa (cùng tổ thợ với ông Quyến) còn cho biết, khi nhận đào những giếng nước cũ, ngoài nguy cơ bị chôn vùi do đất sập, một nỗi sợ khủng khiếp khác cũng luôn ám ảnh, đó là ngạt khí độc.
“Với những giếng sâu, đào lâu năm, trước khi xuống giếng, thợ đào phải bẻ cành cây buộc vào dây thừng kéo lên, xuống liên tục để làm loãng khí độc. Nếu ở nơi có điện, phải ròng ống, bật quạt thổi xuống cả tiếng đồng hồ, kiểm tra thấy an toàn rồi mới dám xuống đào”, anh Hòa chia sẻ.
Chiếc xà beng của thợ đào Trần Văn Hòa mẻ do gặp phải đá bàn khi đào giếng xuống sâu |
Gần 10 năm trước, anh Nguyễn Văn Toàn (43 tuổi, ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) là một người khỏe mạnh, to cao trên 1,7m.
Thế nhưng cuộc đời anh đã vĩnh viễn gắn chặt trên chiếc xe lăn và ngày một tiều tụy vì tai họa từ một miệng giếng đào thuê đổ xuống đầu.
Năm 2008, tổ thợ của anh nhận vét, đào một giếng cũ sâu khoảng 20m cho một công ty cà phê trên địa bàn. Trong một buổi sáng, tổ thợ đến khảo sát giếng, lặp đặt máy tời, máy bơm nước chuẩn bị rất kỹ lưỡng để bắt đầu công việc.
Ngày “ra quân” đầu tiên, anh nhận trách nhiệm xuống giếng đào. Khi sọt đất đầu tiên được xúc đầy, anh cầm sợi dây cáp tời lắc mạnh cho đồng đội bên trên biết để tời đưa đất lên.
Khi sọt vừa lên đến miệng giếng, một phút bất cẩn của đồng đội khiến sọt đất va vào thành giếng được xây bằng gạch. Một hòn gạch rơi xuống trúng ngay đầu làm chiếc mũ cối vỡ tan tành.
Anh Toàn ngất xỉu dưới đáy giếng. Mọi người sau đó xuống ứng cứu, bỏ anh vào sọt buộc lại tời cáp đưa lên.
|
Anh Toàn coi nghề đào giếng mỗi lần xuống là coi như ba phần sống bảy phần chết |
Anh thoát chết nhưng phải sống thực vật mất một năm mới hồi tỉnh vì bị chấn thương sọ não, chân tay bị tê liệt, mắt lòa đi.
Tai nạn khiến gia đình anh khánh kiệt, mấy sào rẫy cà phê vợ anh bán sạch để lo tiền viện phí, thuốc men.
Không còn rẫy nương, vợ anh phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để nuôi 4 miệng ăn. Nhìn vợ con cực khổ, anh Toàn thương đứt ruột nhưng cũng đành bất lực vì không thể giúp được gì.
|
Cha con ông Ama Zet nhận đào giếng tại một rẫy cà phê |
Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, ván nhiều chỗ mục nát, nắng chiếu xuyên mái ngói, vợ anh Toàn chặt các cây tre buộc khắp nhà để anh bấu víu tập phục hồi chức năng.
Trong căn nhà hoang vắng, mỗi ngày anh lại vươn đôi tay co quắp cắn răng chịu đau bám các thanh tre đứng dậy, lững chững tập đi như đứa trẻ lên một.
Trùng Dương
ĐBSCL hạn hán lịch sử
|