Dù không ít nỗ lực phô trương sự hiện đại, nhưng quân sự Trung Quốc có thể yếu hơn nhiều người suy đoán, đặc biệt nếu so sánh với Mỹ.


Tuy nhiên, Bắc Kinh có một kế hoạch giản đơn - thậm chí là rủi ro - để bù đắp điểm yếu của mình: đó là mua tên lửa. Sau đó, mua nhiều và nhiều hơn nữa. Tất cả các loại tên lửa: tầm ngắn và tầm dài, phóng từ mặt đất, từ biển, đạn đạo hay hành trình...

Có hai chủ đề nổi bật từ tác phẩm Sức mạnh không gian Trung Quốc - gồm những bài luận do Andrew Erickson biên tập. Erickson là nhà phân tích Trung Quốc khá nhiều ảnh hưởng của đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Theo Sức mạnh không gian Trung Quốc, ngày nay có khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình phi hạt nhân. "Phát triển kho vũ khí tên lửa với các tên lửa đạn đạo ngày càng có độ chính xác cao và tên lửa hành trình tấn công mặt đất ngày càng trở thành nền móng của khả năng chiến đấu với PLA", Mark Stokes và Ian Easton viết. Với mỗi loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc (PLA) luôn tụt hậu so với Lầu Năm Góc, thì tên lửa có thể giúp Trung Quốc tạo ra sự khác biệt.

Đó là thực tế rõ ràng. Mặc dù giới thiệu hàng loạt vũ khí mới trong những năm gần đây gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm và cả một tàu sân bay Liên Xô được nâng cấp, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu rất nhiều hệ thống cơ bản, tổ chức và thủ tục cần thiết để đánh bại một kẻ thù quả quyết, được trang bị tốt.

Lấy ví dụ là tiếp nhiên liệu trên không. Để triển khai một số lượng lớn các máy bay tiếp dầu hiệu quả trên không đòi hỏi khả năng xây dựng và hỗ trợ các động cơ lớn - điều mà Trung Quốc chưa thể làm ngay. Trong tiếp dầu trên không đòi hỏi việc lên kế hoạch, điều phối và phối hợp vượt xa những gì PLA có thể đáp ứng. Kết quả là "PLA chỉ có máy bay tiếp dầu trong phạm vi cung cấp ngắn”, Wayne Ulman giải thích.

Theo Sức mạnh Không gian Trung Quốc, tính về tổng số, PLA chỉ vận hành 14 máy bay tiếp dầu H-6U, mỗi chiếc chỉ mang được khoảng 17.000 kg nhiên liệu nạp (trong khi đó, chỉ riêng lực lượng không quân Mỹ đã sở hữu hơn 500 máy bay tiếp dầu, mỗi chiếc mang được khoảng 100.000 kg nhiên liệu). Vì thế, trong khi về lý thuyết , PLA có thể tự hào với hơn 1.500 máy bay chiến đấu, nhưng trên thực tế, chỉ có thể tiếp nhiên liệu cho 50-60 chiếc ở cùng thời điểm, giả định toàn bộ máy bay tiếp dầu H-6 hoạt động hoàn hảo.

Trong trường hợp xảy ra cuộc chiến trên không về Đài Loan, cách xa phần lớn những căn cứ của Trung Quốc hàng trăm km, chỉ có 50 máy bay chiến đấu có thể dành thời gian chiến đấu hơn vài phút trên chiến trường. Như vậy, ưu thế về máy bay chiến đấu của Trung Quốc so với Đài Loan thực ra là đảo ngược. Chênh lệch sẽ lớn hơn nếu có sự tham gia của cả máy bay chiến đấu Mỹ.

Và đâu là giải pháp của PLA? Dĩ nhiên đó là tên lửa. Có tới cả nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình, phần lớn bắn từ các bệ phóng mặt đất “dường như sẽ được huy động trong cuộc chiến đầu tiên” chống lại Đài Loan hoặc các căn cứ ở Thái Bình Dương của Mỹ, Ulman viết. Mục tiêu là để tiêu diệt càng nhiều máy bay của đối phương càng tốt, thậm chí trước khi cuộc chiến bắt đầu.

PLA có thể dùng cách tiếp cận tương tự để bù đắp những điểm yếu trên biển hiện nay của họ. Các tàu ngầm luôn luôn là “sát thủ” chống tàu tiềm năng nhất  của bất kỳ quốc gia nào, nhưng tàu ngầm Trung Quốc quá ít, quá ồn ào và thủy thủ thì quá thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận và đối đầu với Hải quân Mỹ. Jeff Hagen dự báo, nếu cuộc chiến bắt đầu, “các tàu ngầm Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu dễ bị công kích”.

Và hãy quên đi cách sử dụng máy bay chiến đấu trang bị vũ khí tầm ngắn để tấn công hải quân Mỹ. Một nhà phân tích Trung Quốc ước tính, sẽ cần có khoảng 150 - 200 máy bay chiến đấu Su-27 để phá hủy một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Toàn bộ PLA có khoảng 300 chiếc Su-27 trong khi hải quân Mỹ có 22 tàu tuần dương Ticonderoga.

Lại một lần nữa, tên lửa là sự bổ sung hoàn hảo. Một cuộc tấn công “siêu bão hòa” với hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng “vô hiệu hóa lập tức hệ thống phòng không của Ticonderoga”, Toshi Yoshihara viết. Nếu ở gần bờ, Trung Quốc có thể sử dụng các loại tên lửa cũ, kém chính xác và tầm ngắn hơn mà họ đã sở hữu với số lượng rất phong phú. Với cuộc chiến tầm xa, PLA đang triển khai chương trình tên lửa DF-21D mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái để định vị chính xác mục tiêu.

Mặt trái của chiến lược lấy tên lửa làm trọng tâm của Trung Quốc là nó có thể đại diện cho cái gọi là “điểm yếu duy nhất”. Do quá phụ thuộc vào một loại vũ khí có thể khiến PLA dễ bị tổn thương nếu gặp một loại biện pháp đối phó. Trong trường hợp này, đó chính là hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Lầu Năm Góc, bao gồm các tàu chiến trang bị tên lửa SM-3, tên lửa Patriot và hệ thống pháo phòng không tầm cao của bộ binh Mỹ.

Hơn thế nữa, tên lửa là loại vũ khí dùng một lần. Không thể tái sử dụng chúng như máy bay chiến đấu hay tàu khu trục. Điều đó có nghĩa là, trong thời chiến, Trung Quốc buộc phải chiến thắng nhanh hoặc thất bại. “Ví dụ, tính tổng số lượng tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, có thể dội khoảng một nghìn tấn chất nổ có sức công phá lớn vào các mục tiêu”, Roger Cliff giải thích. “Tương quan so sánh với máy bay của Không quân Mỹ, có thể dội một lượng thuốc nổ gấp vài lần mỗi ngày trong khoảng thời gian không xác định”.  

 

Thái An (Theo wired)