600 ngày khi con trai - người sống sót duy nhất trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc nằm viện cấp cứu, điều trị cũng là thời gian bà Đông gần như có mặt cùng lăn lộn, sinh tử với con.
Giọt nước mắt khóc thầm của mẹ
Chúng tôi gặp lại Thượng úy Đinh Văn Dương, người duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc (xảy ra ngày 7/7/2014) khi sức khỏe của anh đang phục hồi rất tốt.
Thời điểm hiện tại, anh không còn phải dùng thuốc mà hàng ngày chỉ tập luyện tại trung tâm hồi phục chức năng của Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác và chờ những cuộc phẫu thuật tiếp theo cũng như lắp một đôi chân giả mới để có thể về sống với gia đình.
Để được như ngày hôm nay, ngoài các y, bác sỹ, đồng đội, vợ con của anh thì người luôn bên cạnh, động viên, khích lệ anh trong suốt 600 ngày sinh tử, đến cả những lúc chán nản, bi quan, bực tức nhất, muốn buông xuôi tất cả chính là người mẹ.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Trịnh Thị Đông, mẹ anh, người gần như không rời con trong những ngày điều trị tại bệnh viện cho biết, để được như hôm nay, anh đã phải trải qua 21 cuộc phẫu thuật và còn phải thực hiện một số lần phẫu thuật nữa.
Người mẹ với mái tóc lấm chấm những sợi bạc kể, trong suốt 600 ngày anh Dương nằm điều trị, cả gia đình bà đã từng nhiều phen tưởng như không còn chút hy vọng nào.
Với riêng bà thì không biết bao nhiêu lần, hành lang, góc khuất của bệnh viện chính là nơi được bà tìm đến để khóc vì thương con, để người khác không nhìn thấy giọt nước mắt.
Bởi sau vụ tai nạn, còn 3 chiến sỹ sống sót, được đưa vào điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia thì 2 chiến sỹ đã lần lượt ra đi…
Bà Đông cùng anh Dương trong phòng bệnh. |
"Khi đó, còn lại một mình Dương, cả gia đình tôi và tất cả các y, bác sỹ đều thấp thỏm lo lắng. Nằm ở phòng cấp cứu mà có tới 3 lần Dương đã ngừng tim.
Hai lần đầu, các bác sỹ nhanh chóng dùng các biện pháp để đưa Dương ở lại với cuộc đời này, nhưng đến lần thứ 3, mặc dù đã dùng mọi phương pháp hiện đại nhất nhưng họ vẫn đành buồn bã buông tay.
Tôi còn nhớ, có bác sỹ đã nói với tôi là công sức bao nhiêu ngày tháng đành phải để tử thần mang Dương đi và bảo tôi về chuẩn bị lo hậu sự cho cháu.
Lúc đó, tôi không còn có nghĩ được gì nữa cả, vợ cháu thì mới đẻ còn đang nằm viện, con gái cháu bị gãy tay phải bó bột mà chồng, cha thì như thế này.
Đau đớn, tuyệt vọng nhưng chẳng còn lấy ai bấu víu cả, tôi cùng chị gái cháu chỉ còn biết cùng đơn vị, bệnh viện ngồi họp bàn để lo mọi việc và cầu trời, khấn Phật thương xót...", bà Đông nhớ lại.
Cũng theo bà Đông, dù đau đớn, xót xa nhưng sau khi nhận được thông báo về tình trạng của Dương, gia đình đã chuẩn bị mọi thứ cho đám tang sẽ diễn ra chỉ tính bằng giờ của ngày hôm sau.
Họ hàng, người thân, bạn bè của gia đình, của Dương cũng đã bắt đầu lên viện rồi vào nhà ở quê chia buồn.
Trong lúc đó, dù tim của người chiến sỹ này đã ngừng đập nhưng các bác sỹ Viện Bỏng Quốc gia vẫn quyết định cứ để máy thở cho đến khi nào Dương không còn dấu hiệu gì của sự sống thì mới rút ra.
Như bà Đông nói trong nụ cười hạnh phúc thì đúng là "dường như có một phép nhiệm màu, ngày hôm sau, tim Dương đã đập trở lại trong sự ngỡ ngàng, vui sướng đến vỡ òa của cả gia đình tôi cũng như các y, bác sỹ, đơn vị".
Khi mới tỉnh lại, câu đầu tiên của Dương dù nói không rõ ràng, chỉ he hé thôi nhưng đó là từ "mẹ". Cũng từ đó, cuộc đồng hành của bà và Dương lại tiếp tục trong niềm tin, sự hy vọng.
Người mẹ già bày tỏ: "Những ngày đầu mới tỉnh lại, trí nhớ chưa phục hồi hẳn nên các bác sỹ vẫn sắp xếp cho tôi và người thân vào để nói chuyện cho cháu nhớ lại.
Rồi dần dần sau đó, mọi thứ đều tiến triển tốt hơn, cháu nhớ lại được tất cả những gì đã xảy ra. Cả gia đình tôi như chết đi sống lại. Giờ đây, khi thấy con tiến triển tốt hơn mỗi ngày lòng tôi như nhẹ nhàng hơn".
Mọi người giúp lắp chân giả để anh Dương tập đi |
Cái gương soi và tấm lòng người mẹ
Người mẹ già cũng chia sẻ, khi Dương tỉnh lại được một thời gian, anh liên tục đòi mẹ mua cho một chiếc gương để soi. Ban đầu, bà từ chối vì sợ con nhìn thấy hình ảnh của mình lại bi quan, nhưng rồi bà đành phải chiều con.
Lúc mới nhìn vào gương, anh Dương đã làm bà vừa xót xa nhưng lại vừa buồn cười khi bảo: “Ô sao con lại thay đổi thế này nhỉ, đây có phải là con đâu, sao nhìn con lại xấu thế nhỉ...!”.
"Nghe con nói thế, tôi muốn khóc nhưng không dám vì xót xa quá, con mình dứt ruột đẻ ra mà giờ đây như thế, ai mà không đau xót...", bà Đông nói lại.
Những sau lần đó, anh Dương không còn phàn nàn về hình hài của mình nữa mà khi được chuyển về trung tâm phục hồi chức năng, anh luôn cố gắng tập luyện để có thể đi lại được.
Bà Đông còn kể, khi đã đi được vững, anh Dương còn lắp chân giả tự mình đi ra cổng bệnh viện để uống nước chè như những bệnh nhân khác.
Nhưng dù có tiến triển thì những cơn đau vẫn cứ hành hạ Dương mỗi khi trái gió, trở trời. Những lúc đó, sự mạnh mẽ mọi khi dường như lại bị nỗi bi quan, chán chường lấn át.
Có lúc, anh bật khóc nức nở và không có ai để dằn vặt thì anh lại "nhằm" vào mẹ, đòi đuổi mẹ về, đòi "chết đi chứ sống làm gì".
Khi đó, người mẹ già lại ở bên, động viên con bằng cách mà bà cho rằng, phải hài hước, phải cười thật nhiều với anh: " 22 người, có mỗi anh sống mà anh có biết Nhà nước mất bao nhiêu tiền chữa cho anh rồi không mà đòi chết?”.
Hay cũng có những lần, vết thương đau quá, anh đòi bà mua cho liều thuốc chuột về uống để tự tử và còn bảo rằng: "Bà mua được cho tôi, tôi cảm ơn bà rất nhiều".
Lúc đó, người mẹ già chỉ cười bảo anh: "Mẹ không mua được cho anh đâu, nhưng mẹ cho số anh gọi cho người ta xem có ai dám mang cho anh không. Anh cứ đòi chết thì còn ai sống với mẹ, lo cho vợ con anh".
Bà Đông - mẹ Thượng úy Dương |
Không chỉ luôn bên cạnh con, bà Đông thường xuyên pha trò cười để con được vui. Bà thường nói về cuộc sống với tinh thần rất vui vẻ, hài hước.
Có lẽ, chính trái tim của người mẹ và tinh thần lạc quan, luôn vui vẻ, nghĩ về những điều tích cực của bà là một phần động lực rất lớn giúp Thượng úy Dương tiếp tục chiến đấu.
Bà Đông cũng khoe, để cho con trai vui vẻ, yêu đời, bà đã sắm một chiếc iPad nhỏ để anh thường xuyên vào mạng đọc tin tức.
Do không còn ngón tay và các khớp xương đều cứng hết nên việc vào mạng hay dùng facebook của Dương đều do sự trợ giúp của bà Đông thông qua chiếc bút từ cảm ứng.
Cũng từ ngày được kết nối với thế giới bên ngoài, người chiến sỹ sống sót duy nhất sau vụ tai nạn thảm khốc đó đã trở nên rất vui vẻ và yêu đời hơn.
Khi chúng tôi hỏi về mong ước lúc này, người mẹ già cười và nhìn vào anh Dương bảo: "Tôi chỉ mong sao nó được khỏe mạnh, có một đôi chân có khớp mềm mại, để có thể tiếp tục hòa nhập lại với cuộc đời và bớt đi sự đau đớn trong những năm tháng tiếp theo".
Nhìn nụ cười của bà và sự kiên cường của anh, chúng tôi hy vọng rằng, mong ước đó sẽ đến thật gần...
(Theo Trí thức trẻ)