- Đêm 31/3, bão số 1 đột ngột chuyển hướng, lệch xuống phía Nam do ảnh hưởng của không khí lạnh. Vì vậy, thay vì nhắm vào đảo Phú Quý (Bình Thuận) thì bão số 1 hướng tới khu vực giữa Bình Thuận – Bến Tre.

Bão lệch hướng

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết lúc 7 giờ sáng nay (1/4), vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Thuận – Bến Tre khoảng 170km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Cách tâm bão 170km nhưng do bán kính bão lớn nên rất nhiều nơi đã chịu ảnh hưởng sớm của hoàn lưu bão.

Cụ thể: Ở Phan Rang (Ninh Thuận) đã có gió giật 18m/s (cấp 8); La Gi (Bình Thuận) giật 15m/s (cấp 7); Phú Quý có gió giật 20m/s (cấp 8)…; ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã có mưa 121mm; Nha Trang (Khánh Hòa) 110mm; Phú Quý (Bình Thuận) 168mm: M Đrắk (Đắc Lắc) 120mm;… 


Bão số 1 lệch hướng xuống phía Nam, gây mưa lớn cho Nam Trung Bộ (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 1/4, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 2/4, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên địa phận Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Dự kiến sơ tán hơn 200.000 người, đã có nhiều thiệt hại

Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực – Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Đội biên phòng, kết quả kiểm đếm tàu thuyền đến 6h30 ngày 01/4 đã thông báo được tổng số 49.614 tàu, thuyền / 250.542 lao động biết vị trí, diễn biến của bão.

Di chuyển dân tại Cần Giờ (TP.HCM) - Ảnh: Quốc Quang

Hiện các địa phương đã chủ động có phương án sẵn sàng sơ tán dân khi có bão đổ bộ trực tiếp và khi xảy ra lũ với tổng số người dự kiến 51.998 hộ / 208.232 người.

Tính đến 24h ngày 31/3/2012, tỉnh Bình Thuận đã di dời 175 hộ / 857 người trên đảo Phú Quý; Tp. Hồ Chí Minh đã di dời 1.400 hộ trên đảo Thạnh An; Tỉnh Tiền Giang đã di dời 7.854 người (trong đó có 692 người tự sơ tán); Tỉnh Bến Tre đã bắt đầu di dời từ 17h30 ngày 31/3/2012.

Các địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến của bão và chủ động thực hiện sơ tán dân tại các khu vực xung yếu.

Để hỗ trợ phòng chống lụt bão, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo bố trí lực lượng trực 24/24h sẵn sàng huy động khi có lệnh gồm: 7 tàu hải quân, 6 máy bay, 3 tàu cảnh sát biển, 3 tàu tìm kiếm cứu nạn, 1.811 cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng/37 phương tiện các loại, 13.356 dân quân tự vệ.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 7, 9 đã thiết lập sở chỉ huy tiền phương tại Phan Thiết, Tx Bà Rịa, Cần Giờ, Tp Tân An.

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Phòng, chống lụt bão khu vực miền Nam thì tình hình thiệt hại sơ bộ ban đầu tính đến 19h ngày 31/3/2012 trên địa các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An như sau: 161 nhà bị đổ, sập; 741 nhà bị tốc mái, hư hỏng;  6 trường học hư hỏng; Lúa đổ, ngã, hư hại: 8.600 ha. Công tác phòng chống bão số 1 vẫn tiếp tục triển khai.

N.Anh