- Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, giải pháp nào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đề tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa được thảo luận tại phiên họp UB Kinh tế QH hôm nay.

Nông thôn mới chỉ mới bề mặt

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ cho rằng nhận thức và chuyển động trong tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, có nơi chưa hiểu đề án tái cơ cấu. Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương chạy theo phong trào công nhận xã văn hóa, nông thông mới nhưng chủ yếu xây dựng cơ sở vật chất chứ thực chất đời sống người dân chưa được nâng lên.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Ninh Bình Bùi Văn Phương chia sẻ, cái dễ nhìn thấy của vấn đề nông thôn mới là có nguồn hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nên bộ mặt bên ngoài có tiến triển. "Tuy nhiên nhìn chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn bên trong chưa rõ. Tái cơ cấu nói mạnh nhưng tiến độ thực hiện vẫn cứ chậm", ông Phương nhận xét.

Đồng tình, ĐB Trần Du Lịch cũng cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp triển khai rất nhiều nhưng tất cả các đề án đều nói đầu bài còn giải pháp như thế nào thì ít ai nói.

ĐB Cao Sỹ Kiêm đặt vấn đề tại sao ngành nông nghiệp quy hoạch, kế hoạch, rút kinh nghiệm nhiều năm, nói mãi mà không khắc phục được và đến nay lại mắc phải câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm như dưa hấu, hành tỏi đang diễn ra.

“Tái cơ cấu nông nghiệp chậm, chính sách chưa đủ mạnh, khâu nào đột phá chưa biết. Vấn đề lớn nhất là đổi mới mô hình liên kết, ai là bà đỡ. HTX hay mô hình cánh đồng mẫu lớn?”, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề. Ông cho rằng vừa qua Bộ Công thương vận động kêu gọi mua dưa hấu giúp bà con nông dân về góc độ chính trị thì hay nhưng về mặt thị trường thì không hay.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Minh Thăng

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, TP.HCM nêu nguyên nhân của những bất cập hiện nay là quy hoạch sản xuất không rõ ràng hay nói thẳng là chưa có. Thêm vào đó mô hình sản xuất  không phù hợp nhưng chậm đổi mới, mô hình mới manh nha thì chưa khẳng định để có thúc đẩy. Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn bị lúng túng, phụ thuộc khâu tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó ông Hòa đề xuất trong nông nghiệp cần có giải pháp quy hoạch sản xuất, chỉ cho người nông dân nuôi con gì, trồng con gì cây gì, bao nhiêu. Đồng thời nhanh chóng xây dựng mô hình HTX để làm đầu mối sản xuất, tiêu thụ cho nông dâu chứ hiện nay từng nông dân tự bơi.

"Muốn mua nông sản của nông dân thì phải kí với HTX chứ không thể kí với từng hộ nông dân. Và cũng không thể nào giám sát được sản phẩm của từng hộ nông dân được", ông Hòa dẫn chứng.

Thu Hằng