Ngay sau khi Hà Nội công bố giải 200.000 USD cho ý tưởng chống ùn tắc, hàng trăm bạn đọc đã gửi thư cho VietNamNet.

Bạn đọc Phạm Minh Đức lo lắng Hà Nội sẽ còn tắc đường với mức độ ngày một trầm trọng. Bạn Minh Đức đề nghị, tất cả công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên... hàng ngày hãy đến công sở, nơi làm việc, học tập của mình bằng xe buýt. 

Các cơ quan lớn có thể sắm xe riêng cho đơn vị mình. Cơ quan, đơn vị nào không có điều kiện có thể hợp đồng với xe buýt của thành phố, ngày hai chuyến đi về. Xong nhiệm vụ, những chiếc xe này lại chạy tuyến thông thường.

{keywords}
Trời mưa khiến đường Hà Nội tắc trầm trọng trong ngày 11/1. Ảnh: Trần Thường

"Mỗi cơ quan, đơn vị từ người lãnh đạo đến nhân viên hãy coi việc đi làm hàng ngày bằng xe buýt là qui định bắt buộc. Nếu giải pháp này được Hà Nội, TP.HCM áp dụng sẽ góp một phần không nhỏ vào việc giảm tắc đường", bạn Minh Đức khẳng định.

Thay đổi giờ làm việc

Bạn Thịnh Phạm đề nghị thay đổi quy định về khung giờ làm việc của các trường học tổ chức, công ty trong thành phố.

Bình thường giờ làm việc của đa số trường học cũng như cơ quan bắt đầu vào 7h-7h30 sáng, kết thúc vào lúc 17h chiều. Đối với các công ty nhà nước, trường học nên đổi lại là buổi sáng có thể bắt đầu lúc 9h, chiều kết thúc muộn hơn một chút, 19h.

Còn đối với các công ty khác thì giữ nguyên giờ làm việc bình thường, như vậy sẽ giảm đáng kể lượng người đi làm việc cùng lúc sẽ giảm được ùn tắc giao thông.

Bạn đọc Thịnh Phạm còn viết, nên giảm giá vé xe buýt. Cán bộ phải làm gương bằng cách đi làm bằng xe buýt hoặc xe đạp, hạn chế xe máy hoặc xe công.

Bạn Nguyễn Anh Quân cũng có cùng ý tưởng thay đổi thời gian làm việc công sở và trường học.

Theo bạn Quân, các công ty có thể thay đổi giờ làm việc theo từng ngày. Ví dụ: Thứ 2, 3, 4  từ 7h30 đến 11h, 13h đến 18h, các ngày còn lại thì 8h đến 11h và 13h đến 16h30. Các công ty trong cùng khu vực thì phải chọn giờ làm việc khác, ví dụ 7h đến 11h và 13h đến 17h30. Các trường học thì đổi giờ học, cấp 1 bắt đầu từ 8h, cấp 2 từ 7h30, cấp 3 từ 7h.

Ngoài ra bạn cũng đề xuất: Thu hẹp vỉa hè, mở rộng lòng đường; Có cảnh sát túc trực và điều khiển giao thông; Cấm đỗ xe dưới lòng đường; Cấm dừng xe khi đang đi trên đường (phải tấp vào đúng nơi quy định để dừng).

Bạn Nguyen An cũng đề xuất mỗi công ty có giờ đi làm khác nhau. Sáng dao động trong khoảng thời gian 6h30 vào làm với công ty sớm nhất và 8h30 với công ty muộn nhất. Buổi chiều thì từ 12h sớm nhất, 14h trễ nhất.

"Như vậy chúng ta có thể chi phối thời gian di chuyển xe ra đường trong khoảng 2 tiếng khiến số lượng người di chuyển ra cùng lúc không nhiều, tránh kẹt xe một cách đáng kể", Nguyen An chia sẻ.

Về ý thức tham gia giao thông, mỗi người chúng ta cần phải học loài kiến về sự trật tự, khi di chuyển nó chỉ đi 1 hàng duy nhất, không chen lấn, xô đẩy.

Bùi Anh Đức lại đề xuất phân làn đường theo 3 tuyến. Tuyến 1 ưu tiên xe buýt, taxi, xe công vụ, các loại xe ưu tiên, không thu phí cầu đường; Tuyến 2 dành cho xe đạp, có thể bố trí cả dành cho người đi bộ. Không thu phí cầu đường; Tuyến 3 áp dụng cho tất cả các xe còn lại và có thu phí cầu đường..

Độc giả Trần Thanh Hiếu đề xuất 3 giải pháp chống tắc đường:

Thứ nhất, mở rộng đường, làm thêm cầu vượt, đường nhiều tầng, metro.. trong dài hạn.

Thứ hai, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.

Đối với lứa tuổi còn trên ghế nhà trường (lớp 1-12) thì đưa luật giao thông và các vấn đề giao thông vào môn chính sao cho lớp nào cũng học. Bỏ bớt một số môn không cần thiết đi.

Đối với người trưởng thành: Lắp đặt hết hệ thống camera bao phủ tất cả ngã 4, 3, vòng xoay. Rồi tiến hành xử phạt bằng cách gửi biên bản về nhà/cơ quan/xí nghiệp/...

Quy định mức phạt 1 triệu đồng/cá nhân và 5 triệu/tổ chức. Lấy tiền phạt này để trang bị camera và làm cầu vượt.

Bêu xấu người bị phạt: lập 1 website công bố chi tiết người bị phạt (tất cả thông tin). Các tổ chức/trường học dựa vào đây để đánh giá đạo đức/xét thi đua...

Tổ chức gameshow/phim/hài kịch/tọa đàm về luật giao thông.

Kêu gọi người nổi tiếng tuyên truyền luật Giao thông.

Thứ 3, cân bằng mật độ giao thông bằng cách cách tăng thời gian chờ đèn đỏ ở các điểm không tắc gần các nơi ùn tắc.

Khuyến khích để các cơ quan tự nguyện thực hiện: ai có thể đi làm sớm/làm trễ và về sớm/về trễ được thì cứ làm.

Bên cạnh website, xây dựng thêm phần mềm cho điện thoại thông minh cập nhật liên tục tình hình kẹt xe trên tất cả các tuyến đường (hiện tại đã có radio).

"Theo tôi, nếu cứ mỗi giải pháp nhỏ mà thực hiện đúng và tới nơi tới chốn thì chắc sẽ giảm được nạn kẹt xe", bạn Thanh Hiếu tin tưởng.

Mời bạn đọc gửi đề xuất các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Các bài viết, ý kiến chúng tôi sẽ chuyển tới Ban tổ chức cuộc thi và đăng tải trên báo VietNamNet. Các bài viết gửi về banxahoi@vietnamnet.vn

Hà Nội treo giải 200.000 USD cho ý tưởng chống ùn tắc

Hà Nội treo giải 200.000 USD cho ý tưởng chống ùn tắc

Tổng giải thưởng cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội lên đến 300.000 USD.

Hà Nội mưa tầm tã, đường tắc nghẹt khắp ngả

Hà Nội mưa tầm tã, đường tắc nghẹt khắp ngả

Giờ cao điểm chiều nay, trời vẫn mưa, nhiều đường phố Hà Nội lại tiếp tục xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

M. Thư (tổng hợp)