- Dự thảo luật Tiếp công dân quy định chủ tịch UBND xã phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần, chủ tịch huyện 2 ngày/tháng; chủ tịch tỉnh, bộ trưởng 1 ngày/tháng.

Sau nhiều ý kiến ĐB nhận định trách nhiệm người đứng đầu trong luật Tiếp công dân còn "nhẹ", dự thảo đã quy định họ phải trực tiếp tiếp công dân đột xuất trong hai trường hợp.

Đó là khi có vụ việc gay gắt, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, ý kiến của các cơ quan, tổ chức còn khác nhau.

Người đứng đầu cũng phải trực tiếp "ra mặt" trong những vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về định kỳ, chủ tịch UBND xã phải tiếp công dân trực tiếp ít nhất 1 ngày/tuần, chủ tịch huyện 2 ngày/tháng, chủ tịch UBND tỉnh là 1 ngày/tháng.

Các bộ trưởng, trưởng ngành cũng phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất mỗi tháng 1 lần.

Khi tiếp công dân, người đứng đầu phải có ý kiến trả lời về giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thành Bộ: Đơn thư hiện nay bị chuyển vòng vèo...

Thảo luận nội dung này chiều nay (28/10), ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng hạn chế lớn nhất của công tác tiếp công dân hiện nay là chưa gắn với việc giải quyết, dẫn đến đơn thư chuyển vòng vèo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

"Cứ để khiếu kiện kéo dài, tồn đọng, gây bức xúc cho dân không giải quyết được thì hệ thống tiếp công dân quy mô lớn mà kết quả tiếp dân nhỏ", ông Bộ nói, "Do đó, luật cần nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu".

ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) thì vẫn muốn làm rõ chế tài xử lý trách nhiệm trong trường hợp người đứng đầu không tiếp công dân đúng như luật định.

Áp lực lớn cần người có năng lực

Các ĐB cũng muốn luật quy định rõ hơn yêu cầu về năng lực và phẩm chất đối với cán bộ làm công tác tiếp dân.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) phản ánh: "Ở nhiều nơi cán bộ còn phiền hà, sách nhiễu, không lắng nghe, thiếu trách nhiệm trong ghi chép tiếp nhận đơn thư, không trung thực trong tham mưu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, góp phần dẫn đến oan sai, bức xúc trong dân".

{keywords}
ĐB Huỳnh Văn Tiếp: Ở nhiều nơi cán bộ còn phiền hà, sách nhiễu, không lắng nghe

Chia sẻ điểm này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng ngoài quy định về trang phục, tác phong của cán bộ tiếp công dân, luật còn phải chỉ rõ họ cần có năng lực trình độ về pháp luật để có thể giải đáp để người dân hiểu và không tiếp tục khiếu kiện đông người, kéo dài nữa.

"Trong trường hợp người dân đến khiếu nại tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân mà gặp đúng người mà mình khiếu kiện, cần có cách giải quyết, phân công một cách khách quan", bà Khá nói.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp cũng cho rằng luật cần bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân đi khiếu nại, tố cáo.

Luật Tiếp công dân sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa để biểu quyết thông qua chiều 25/11.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng