- Chiều 18/10, Công an Hà Nội đã có buổi thông tin báo chí về việc thu thập thông tin dân cư đang gây tranh cãi thời gian gần đây.
Nghi ngại về việc lộ, lọt thông tin cá nhân
Ông Lê Ngọc Thu, Chánh Văn phòng Công an Hà Nội cho biết, trước khi thực hiện việc thu thập thông tin dân cư, cảnh sát khu vực đã được tập huấn, yêu cầu phải trực tiếp xuống từng hộ dân để hướng dẫn, giải thích.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cảnh sát khu vực đã có thiếu sót như: Không trực tiếp gặp công dân để giải thích, thu thập thông tin; Không dùng kèm bản hướng dẫn của CA Thành phố để công dân nghiên cứu, kê khai.
Hình ảnh tại buổi họp báo |
Một số cảnh sát khu vực đã giao tổ trưởng tổ dân phố đưa phiếu thu thập thông tin dân cư cho các hộ, công dân kê khai, dẫn đến một số công dân không hiểu đầy đủ ý nghĩa và yêu cầu của việc cung cấp thông tin.
Từ việc thu thập thông tin một cách thủ công như vậy, nhiều người lo ngại việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân.
Theo ông Lê Ngọc Thu, để khắc phục những thiếu sót trên, CA Hà Nội đã rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc thực hiện.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, đối với những trường hợp trước đó chưa được rút kinh nghiệm, nếu công dân bị lộ, lọt thông tin, gây ảnh hưởng đến đời tư, kinh tế... thì ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm?
Ông Thu cho hay: Tổ trưởng tổ dân phố chỉ có nhiệm vụ phát tờ khai cho công dân, còn sau đó CSKV sẽ trực tiếp lấy tờ khai ấy và đem về cơ quan.
Về nguyên tắc, tất cả các tài liệu mà công an quản lý đều là tài liệu mật. CSKV đã rút kinh nghiệm. Những trường hợp như vậy không nhiều. Những thông tin bị rò rỉ là một khả năng vô cùng hiếm.
Cơ sở pháp lý nào?
Ông Lê Ngọc Thu cũng chỉ ra các cơ sở pháp lý để tiến hành việc thu thập thông tin dân cư: Nghị định số 90/2010/NĐ- CP quy định về dữ liệu quốc gia về dân cư; Thông tư số 10/2013/TT- BCA; Thông tư 81/2011/TT-BCA; Chỉ thị 14/CT- UBND.
Ngoài ra, ông Thu cho biết, CA Hà Nội đang thực hiện Dự án đầu tư “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, để phục vụ cho việc UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị tiến hành cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành trong thời gian tới.
Dự án đã được Bộ Công an đồng ý và UBND Thành phố phê duyệt.
Công an Hà Nội cho rằng, việc thu thập thông tin dân cư bao gồm 32 danh mục sẽ góp phần làm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, hồ sơ, số lần đi lại của công dân … khi thực hiện các thủ tục hành chính như cấp hộ chiếu, đăng ký thường trú, tạm trú…
Trong các danh mục này, có 2 danh mục gây tranh cãi là tên e-mail và nhóm máu khi có có dư luận cho rằng, có cần thiết kê khai chi tiết và xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hay không?
Về việc này, ông Thu cho biết, CA Hà Nội không bắt buộc công dân phải kê khai mục này. Trong phiếu thu thập thông tin dân cư, các thông tin bắt buộc kê khai đều được khoanh tròn.
CA Hà Nội thu thập các thông tin này với mục đích phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Trên thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, do không xác định được nhóm máu của nạn nhân nên rất khó khăn cho việc cấp cứu nạn nhân.
Đại tá Đỗ Đức Quang, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an Hà Nội cho biết thêm, trước mắt chỉ tập trung thu thập thông tin dân cư các trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú.
T.Nhung