XEM CLIP:

Sáng 22/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%

Khái quát lại tình hình kinh tế - xã hội nửa năm qua, Phó Thủ tướng nhắc đến đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP.HCM.

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

{keywords}
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

“Chính phủ trân trọng, cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Điểm lại một số kết quả đạt được về kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%...

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng. Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn.

“Đất nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu cần được nhanh chóng khắc phục”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng cảnh báo, nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Từ đó, Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết".

Cụ thể, Chính phủ, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư.

{keywords}
Các ĐBQH 

Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh”, Phó Thủ tướng lưu ý, triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022...

Nhiệm vụ giải pháp tiếp theo được Chính phủ đề ra là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có tiết kiệm chi thường xuyên 10%.

Chính phủ kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và độ bao phủ tiêm chủng…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục cơ cấu lại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trong đó, thúc đẩy tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt đô thị...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

XEM CLIP:

Tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Chính phủ cũng không quên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, "tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu". Đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nhiệm vụ nữa được Chính phủ quan tâm là tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc xây dựng nền hành chính hiện đại, liêm chính, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, xa dân... Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng là nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ giải pháp Chính phủ quan tâm trong thời gian tới.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, các thông tin sai trái, không đúng sự thật; ngăn chặn các nội dung xấu, độc trên mạng xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Xem toàn văn báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH TẠI ĐÂY

Thu Hằng

Chính phủ đồng ý 19 tỉnh thành áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16

Chính phủ đồng ý 19 tỉnh thành áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16

Các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn.