- Bức xúc trước vụ chồng bạo hành vợ ở tỉnh Vĩnh Phúc, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh lên tiếng mong cơ quan chức năng có hình phạt thích đáng cho kẻ phạm tội. "Về phía những người phụ nữ bị bạo hành, để tự bảo vệ mình, họ có thể gửi đơn thư đến cơ quan công an, báo chí, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân… Chúng tôi sẽ kịp thời lên tiếng".

Chia sẻ với VietNamNet, bà Trần Thị Quốc Khánh nói: Tôi thực sự kinh hoàng trước vụ việc này. Tôi không tưởng tượng được người chồng và một số thành viên trong gia đình đó lại có thể tàn ác đến như vậy. Sự dã man, tàn bạo không còn tính người đã diễn ra ngay giữa một thị xã, có nghĩa là nơi tương đối văn minh chứ đâu phải ở vùng sâu, vùng xa. Dù sao thì tổ dân phố, hội phụ nữ, chính quyền và công an địa phương đã vào cuộc ngay sau khi biết tin. Dư luận nhân dân phẫn nộ và yêu cầu các cơ quan sớm có kết luận điều tra, đưa vụ án ra xét xử.

Từ vụ việc trên, bà nhận định thế nào về các vụ bạo lực gia đình dường như đang gia tăng?

- Qua các phương tiện truyền thông gần đây, chúng ta thấy ở một số nơi đã xảy ra các vụ bạo lực gia đình với mức độ man rợ, thú tính không thể chấp nhận được: vợ đốt chồng, chồng thiêu vợ con, con giết cha...

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Phải quan tâm đến giáo dục tình thương, lòng nhân ái cho con người. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến lên tiếng cảnh báo về một xã hội mà nhân cách con người đang đi xuống, bạo lực đang gia tăng. Tôi cho rằng bạo lực gia đình phản ánh bức tranh bạo lực xã hội rất nhức nhối. Đó là tình trạng giết người, cướp của không ghê tay của một bộ phận thanh niên, thậm chí cả người chưa thành niên; học sinh nữ lột áo, đánh đập nhau; sinh viên sát hại cả người yêu; nạn sử dụng dao búa, vũ khí nóng trong xã hội…

Trong vụ chồng bạo hành vợ ở Vĩnh Phúc tôi nghĩ rằng người chồng và một số người trong gia đình đó có thể phạm các tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, làm nhục người khác, tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, ngược đãi hoặc hành hạ vợ chồng, không tố giác tội phạm theo các điều 104, 111, 121, 147, 151 và 314 Bộ luật Hình sự.

Tôi tin cơ quan điều tra sẽ phải xem xét kỹ để có kết luận cụ thể. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp sẽ xem xét, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và có hình phạt thích đáng sẽ dành cho kẻ phạm tội.

Những việc như thế xảy đã ra ở nhiều nơi và các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng có vẻ chưa đủ sức răn đe? Vai trò của các đoàn thể, hội phụ nữ… trong những tình huống này tại sao chưa được phát huy?

- Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính của các vụ bạo lực trong gia đình và xã hội là do gia đình và xã hội chưa thực sự quan tâm đến giáo dục tình thương, lòng nhân ái cho con em ngay từ nhỏ.

Các cụ ta ngày xưa nói “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tính thiện của mỗi người đều có sẵn từ khi được sinh ra. Chỉ sau khi ra đời, mỗi người được cha mẹ, gia đình chăm lo dạy dỗ như thế nào; môi trường được giáo dục ra sao, được bạn bè, hoàn cảnh tác động thế nào thì tính thiện đó sẽ sáng rõ lên hay lu mờ đi.

Cụ thể là, trong gia đình, nếu cha mẹ chỉ mê kiếm tiền, không quan tâm dạy con biết yêu thương, kính trọng ông, bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, kể cả biết yêu thương các loài sinh vật sống quanh ta, thì tính thiện của đưa trẻ sẽ dần lu mờ đi.

Ra ngoài xã hội, nếu giao du với bạn bè thiếu giáo dục, chỉ thích ăn chơi, môi trường gia đình phức tạp; phim ảnh, sách báo, truyền thông luôn tràn ngập các hình ảnh, lối sống vì “cái tôi” mà sinh oán thù ghét nhau, đánh đập nhau; vì miếng ăn, thức uống bổ béo mà phải sát hại các loài hoang dã và cả các loài hiền lành, thân thiện với con người như chó, mèo… thì vô hình trung nhiều người sẽ quen dần với việc đánh đập, sát hại không ghê tay. Vụ giết người ở tiệm vàng Bắc Giang vừa qua là một ví dụ.

Theo tôi, để giải quyết tình trạng bạo lực trong gia đình và xã hội, trước hết phải khẩn cấp quan tâm đến giáo dục tình thương, lòng nhân ái cho con người.

Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ phải quan tâm hơn nữa công tác giáo dục pháp luật cho các chị em, để chị em biết sử dụng pháp luật là công cụ để bảo vệ mình khi cần thiết. Đặc biệt, các cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp phải kịp thời xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ bạo hành này.

Về phía những người phụ nữ bị bạo hành, theo bà, họ cần làm gì để tự bảo vệ chính mình?

- Tôi rất mong chị em phụ nữ nói chung, những người phụ nữ bị bạo hành nói riêng chủ động tìm hiểu pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự…

Pháp luật hiện hành về cơ bản đã khá đủ để chị em có thể sử dụng làm công cụ để tự bảo vệ mình và bảo vệ cho con, cháu mình cũng là phụ nữ. Thông qua việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, chị em sẽ biết quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ, xử lý các tình huống trong gia đình và xã hội theo đúng pháp luật.

Nếu không hiểu biết pháp luật, chị em cần tìm đến các cấp Hội liên hiệp phụ nữ, trưởng thôn, công an và UBND cấp xã; xa hơn một chút là các Trung tâm tư vấn của phụ nữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý, luật sư.

Khi cần thiết có thể gửi đơn thư đến các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, cơ quan báo chí, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để giám sát… Chúng tôi sẽ kịp thời lên tiếng.

ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt: Sau khi nghe câu chuyện bạo hành kinh hoàng trên các phương tiện truyền thông, tôi đã về địa phương để nắm bắt thêm thông tin. Tôi được biết cơ quan công an đã bắt giữ ngay người chồng để điều tra. Tôi cho rằng với những hành vi như vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh đúng pháp luật.
Lê Nhung