- “Tài sản là vấn đề riêng tư nhưng với thân phận là cán bộ công chức phải minh bạch chứ không ai muốn bày tài sản ra cho người khác xem”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói về việc kê khai tài sản, thu nhập.
Thảo luận dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi tại phiên họp toàn thể UB Tư pháp hôm nay, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh đề xuất của Chính phủ về việc truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Tài sản không giải trình được phải thu hồi
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo định nghĩa thế nào là kê khai không trung thực. Ví dụ, kê thiếu hay giấu, không kê do cố tình hay vô ý?
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
“Tôi nói thật, chuyện kê khai tài sản muốn trung thực đối với nhiều quan chức cũng rất khó vì tài sản của họ rất nhiều, chưa kể các các tập đoàn, tổng công ty tài sản nhiều, họ cũng không nhớ hết đâu”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
“Tài sản là vấn đề riêng tư, nhưng với thân phận là cán bộ công chức thì phải minh bạch chứ không ai muốn bày tài sản ra cho người khác xem”, ông nói và cho rằng có những lúc người ta ngại, không kê khai, nhưng tài sản đó không có gì bất hợp pháp cả. Vì vậy nếu có thiếu sót có thể bị phê bình, góp ý, kỷ luật còn tài sản đó không đụng tới được.
Còn đối với tài sản không giải trình được, ĐB Nghĩa không đồng ý truy thu thuế với mức thuế suất 45% vì như vậy sẽ vi phạm luật Phòng, chống rửa tiền....
Phó đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đặt vấn đề, Hiến pháp quy định công dân có quyền về tài sản đồng nghĩa với việc anh có nghĩa vụ chứng minh tài sản đó là của mình. “Anh công dân này thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, tức là người có chức vụ quyền hạn, tức là công bộc của dân thì anh phải có nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội là chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không thì nhà nước tịch thu”, ĐB Sơn nói.
ĐB Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam đề nghị nên phân biệt tài sản có nguồn gốc hợp pháp và tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Việc kê khai trung thực hay không không ảnh hưởng nhiều. Kê khai không trung thực chúng ta xử lý về mặt hành chính, kỷ luật.
Cần quy định tội làm giàu bất chính
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc phải tịch thu sung công thì căn cứ theo luật nào bởi Hiến pháp quy định công dân có quyền sở hữu đối với thu nhập hợp pháp, của cải để dành.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga |
“Lâu nay, thứ "của cải để dành” người ta không bắt mình phải kê khai nguồn gốc ở đâu. Chúng ta chưa bao giờ nói tất cả tài sản của cán bộ, công chức, của người dân phải cho biết nguồn gốc ở đâu, tính hợp pháp của nó thế nào? Vàng của tôi để trong hũ, nhà nước cũng có nói phải nêu nguồn gốc ở đâu đâu?”, Chủ nhiệm UB Tư pháp băn khoăn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của UB Thường vụ QH Nguyễn Đình Quyền lưu ý, Hiến pháp quy định: “Sở hữu tư nhân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, có nghĩa quyền về tài sản là một trong những quyền lớn nhất của con người, phải rất thận trọng.
“Kê khai những năm vừa qua như đùa, chả để làm gì, chả kiểm soát được gì, tính hiệu lực, hiệu quả rất thấp”, ông nói và đề nghị đừng mở rộng đối tượng kê khai một cách tràn lan.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho hay, không thể xử lý bằng thuế được vì sẽ vi phạm các quy định của luật khác, trong đó có luật Phòng, chống rửa tiền.
Vấn đề thu hồi tài sản của một cá nhân, tổ chức nào đó phải qua con đường tư pháp và đó là con đường duy nhất hợp hiến và hợp pháp.
“Cần quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc của tài sản là hành vi tội phạm và do tòa án phán xử”, ông Quyền đề nghị.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của UB Thường vụ QH Nguyễn Đình Quyền |
Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu quan điểm, làm giàu bất hợp pháp và tài sản không giải trình được là hai việc khác nhau - nếu đánh đồng với làm giàu bất hợp pháp thì không được.
Chưa đồng tình, ông Quyền tiếp tục bảo vệ quan điểm các loại tài sản này đánh thuế không được, vì đó không phải đối tượng chịu thuế. “Nếu đánh thuế thì coi tài sản đó là hợp pháp. Tôi không đồng tình bằng con đường đánh thuế, hành chính”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa tham gia cuộc tranh luận với quan điểm “không đồng ý hình sự hóa” tội có tài sản không kê khai được.
Theo ông Nghĩa, đây là biện pháp đặc thù trong luật Phòng, chống tham nhũng, có thể đưa vào luật hành chính hoặc quy định về quản lý cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức rơi vào tình huống đó là có vấn đề về tài sản.
Ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu tài sản, cùng vợ vay hơn chục tỷ
Vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý vay ngân hàng 13,35 tỷ đồng, ngoài ra vợ ông còn vay của cá nhân 60 cây vàng.
Cán bộ giàu bất thường: Chỉ kỷ luật, không đụng nổi khối tài sản
Một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ kỷ luật, không thể đụng được vào khối tài sản không rõ nguồn gốc.
Tướng Sùng Thìn Cò: Tài sản tham nhũng chỉ có vào người thân quen
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho rằng: Tài sản tham nhũng chỉ có vào những người thân quen chứ chả đi đâu.
Một số cán bộ muốn có bồ nhí để quản tài sản tham nhũng
ĐBQH nêu thực trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo quan tâm đến phái nữ chỉ vì muốn có bồ nhí để quản lý khối tài sản tham nhũng.
Mua đô la, kim cương để tẩu tán tài sản tham nhũng
ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu việc đối tượng có nhiều tài sản thường tìm cách tẩu tán như mua vàng, đô la, kim cương…
Thu Hằng