Đi biển từ năm 16 - 17 tuổi đến nay đã ngót 60 tuổi, mấy chục năm trời bám biển mưu sinh, thuyền trưởng Lê Tân (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) nổi tiếng là một trong những thuyền trưởng kỳ cựu và kiên cường. Nói ông kỳ cựu vì ông đã gần 50 năm lênh đênh trên biển, nói ông kiên cường bởi ông đã từng bị tàu Trung Quốc bắt, tịch thu tàu, cướp cá, rồi nhiều lần bị đánh cho thâm tím mặt mày, thương tích đầy mình... Ấy vậy mà ông vẫn kiên quyết cùng 3 người con ra khơi bám biển.
5 giờ chiều, con tàu cá của thuyền trưởng Lê Tân từ từ tiến vào khu neo đậu tàu thuyền của xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn). Nhìn gương mặt gầy gò, đen sạm vì nắng, gió của ông và các thủy thủ, chúng tôi có thể hình dung phần nào những vất vả trong chuyến đi biển vừa rồi của ông.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe ông kể chuyện đi biển, ông vui vẻ hẹn "hôm sau đến nhà, cho thư thả mới kể hết được". Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà xây khang trang của gia đình ông, nghe ông kể những chuyến đi biển sóng gió, trong đó có cả những câu chuyện ông bị bắt, bị đánh, bị cướp tàu.
Thuyền trưởng Lê Tân sinh ra ở huyện đảo Lý Sơn, sớm theo nghề đánh bắt hải sản từ khi còn mười tám, đôi mươi. Cho đến nay, ông đã có gần 50 năm đi biển, đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa. Trong thời gian đó, ông đã từng bốn lần bị tàu Trung Quốc đuổi bắt, đánh đập, cướp tài tài sản, nhưng ông chưa một lần nản lòng, vẫn cùng với 3 người con trai căng buồm ra khơi.
Thuyền trưởng Lê Tân trên con tàu trước khi ra Hoàng Sa (Ảnh: LĐO) |
Thuyền trưởng Lê Tân nhớ lại: "Lần đầu tiên tôi bị bắt năm 2006. Tôi nhớ hồi đó là khoảng tháng 6 (âm lịch) năm 2006. Tôi cùng các an hem đang đánh bắt cá tại khu vực gần đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Đến khoảng 11 giờ trưa, tôi thấy một chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang đuổi theo, tôi cho anh em tăng tốc chạy. Chạy được một quãng thì không thấy tàu lạ đuổi nữa, nên chúng tôi dừng lại. Nhưng chỉ vài phút sau, hai chiếc xuồng máy chở theo 8 người mặc đồ rằn ri có trang bị súng máy trông rất dữ dằn chạy đến, chúng nhanh chóng nhảy lên tàu, dùng súng uy hiếp và yêu cầu chúng tôi chạy về phía con tàu lớn của chúng đang neo ở đằng xa. Tôi và các thủy thủ trên tàu bị nhốt vào một chỗ, bỏ đói cả ngày. Sauk hi lục soát toàn bộ tàu, chúng bắt tất cả lăn tay vào một số giấy tờ có chữ Trung Quốc, ai phản ứng sẽ bị đánh đập dã man, Hồi đó, chúng bắt tàu của tôi và tàu của ông Lê Đức. Tàu của tôi to hơn nên chúng thu giữ, rồi chúng thả tất cả chúng tôi lên tàu ông Lê Đức để cho chúng tôi về".
Tàu bị cướp, ông Lê Tân trở về Lý Sơn với hai bàn tay trắng, vừa tiếc của, vừa lo lắng, ông phát ốm, phải nằm cả tháng trời. Nhưng rồi ông nghĩ, nghề đi biển đã ngấm vào máu thịt rồi, không thể từ bỏ được. Được chủ một vựa cá quen biết, người vẫn thu mua cá của ông trước đây bán chịu cho một con tàu cũ, tiền trả tàu sẽ được trừ dần bằng cá, ông vay mượn người thân ít tiền đi sửa sang lại con tàu, đến đầu năm 2007 lại tiếp tục ra khơi, đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa.
Nhưng không may mắn, lần đầu tiên ra biển với con tàu mới, ông lại bị bắt và bị cướp lẫn nữa. Ông Tân kể: "Hôm đó, tàu chúng tôi chạy ra đến khu vực đánh bắt, vừa đánh bắt cá được vài tiếng thì nhìn thấy 1 chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc ở cách chúng tôi khoảng 1 hải lý. Lúc đó, chúng tôi nghĩ đó là tàu ngư dân, nên cứ mặc kệ và tiếp tục công việc. Nhưng chỉ một lúc sau, một chiếc xuồng chở người mang theo vũ khí, đuổi theo tàu của chúng tôi. Lúc này, tôi vội cho người xuống lấy hết dầu, hết đồ của chúng tôi rồi bỏ đi".
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi (Ảnh: Quảng Ngãi Online) |
Không muốn chiếc tàu mới lần đầu tiên ra biển đã phải trở về tay không, thuyền trưởng Lê Tân quyết định tiếp tục đánh bắt. Ông chạy đến gặp những tàu đánh bắt cá của các ngư dân khác ở gần đó, hỏi vay dầu. tàu thì vay được 3-4 can, tàu vay được một phi dầu... khi vay được khoảng 1000 lít dầu, ông Tân và các thủy thủ của mình lại tiếp tục đánh bắt cá. Đến khi được bắt được khoảng 6-7 tấn cá, trên tàu còn lại mấy chục cái đó, ông cho tàu chạy lên khu vực gần đảo Tri Tôn, thả nốt những cái đó còn lại để bắt cá rồi về. Nhưng vừa thả xong mấy cái đó, tàu ông lại bị một nhóm người trang bị vũ trang cướp. Chúng lấy hết cá trên tàu, lấy hết cả máy dò, định vị, ngay cả bình gas, nồi nấu cơm chúng cũng lấy hết không để lại cái gì. "Đồ nó lấy hết, còn có máy bộ đàm hỏng tôi vứt trong góc tàu, nó cho rằng tôi giấu, nên đánh tôi đã đời. Tôi nghĩ nếu nó đánh nữa chắc tôi chết, nên khi nó đá tôi, tôi lăn người lộn xuống ghe, đau quá nên nằm thoi thóp. Sau đó, nó chỉ để lại 1 phi dầu cho chúng toou chạy về". Vậy là riêng cuyến đi biển ấy ông bị cướp tới 2 lần.
Đến năm 2010, trong một lần đi biển hồi cuối năm 2010, tàu của ông Lê Tân đang đánh bắt cá gần khu vực đảo phú lâm bị cướp. Cũng bị cướp lúc đó có tàu của ông Dương lúa, ông Lê Lộc. Lần này tàu ông ông Dương lúa, ông Lê Lộc to hơn nên bị nó thu, còn tàu của ông Tân nhỏ, cũ nên chúng thả ra để chở mọi người về sau khi đã lấy hết mọi thức trên tàu. Một tháng sau lần bị cướp ấy, ông Lê Tân và các con lại ra biển đánh cá. Lần đó cũng suýt bị cướp, nhưng may các con ông kiên quyết nên thoát được. Ông Tân kể lại: " Lần đó, chúng cho xuồng chở người ra đuổi theo tàu của chúng tôi. Lúc đó tôi lo cướp bắt được sẽ đánh chết, nên bảo dừng tàu. Nhưng ba thằng con trai tôi bảo không dừng được phải chạy. Cũng may hôm đó trên biển có bão cấp 6, sóng to nên khi chúng tôi chạy nhanh, xuồng nhỏ không áp sát được tàu của tôi. Sau đó chúng gọi về, cho một chiếc tàu to ra đuổi. Tôi cho tàu chạy lòng vòng, tàu tôi nhỏ quay đầu nhanh hơn, tàu chúng to nên chậm chạp hơn, không đuổi kịp. Lòng vòng mấy tiếng đồng hồ nó mới chịu thua bỏ đi", thuyền trưởng Lê Tân cho biết.
Khi được hỏi, đi biển bị cướp nhiều như vậy, ông có sợ không? Ông Tân bảo:
"Chúng tôi phải tiếp tục chứ, đi đánh bắt cá kiếm sống nuôi gia đình, đi để giữ biển cha ông. Chúng lấy tàu thì tôi và an hem gom tiền mua cái khác", ông Tân khẳng định.
Chia tay những người dân trên đảo Lý Sơn, chúng tôi trở về đất liền với niềm tin chắc chắn: Khi đất nước còn những con thuyền dũng cảm, kiên cường như thế vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa mãi là của Việt Nam.
(Theo Tin Tức, số Xuân Ất Mùi)