- Nghề đánh bắt thủy sản xa bờ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, tai nạn rình rập. Để khắc phục, bà con ngư dân đã liên kết, tập hợp thành từng tổ đội khai thác; cùng nhau bám biển giữ vững ngư trường...

Theo các ngư dân lão thành ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), trước đây những tàu đánh bắt xa bờ thường là mạnh ai nấy tìm ngư trường, gặp luồng cá lớn là lặng lẽ đánh bắt, không chia sẻ thông tin, không gọi tàu bạn. 

Với cách làm này, nếu tàu nào “vào cầu” là “trúng to”; song cũng không ít trường hợp gặp rủi ro, tai nạn trên biển đành chịu cảnh đơn độc. Mà biển trời mênh mông, sức chống chọi của con người có hạn.

Không đoàn kết, lắm rủi ro

Ngư dân Nguyễn Văn Việt (SN 1954, ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Nghề biển là kiếm sống trên “đầu sóng ngọn gió” nên thiên tai ập đến lúc nào khó lường được. Với cách làm ăn riêng lẻ, ngư dân chẳng mấy ai có ý thức cộng đồng, chỉ nhắm đến mục tiêu khoang tàu của mình đầy cá; gặp tàu bị nạn, nếu không phải là người thân trong gia đình, chưa chắc họ đã chịu dừng chuyến biển để giúp nhau. 

Mùa đông năm 2010, trong lúc tàu cá của tôi đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa thì nhận được tín hiệu cấp cứu từ một tàu bạn vừa bị tai nạn tại vùng biển cách đó gần 300 hải lý. 

Vì đang ở quá xa, qua bộ đàm tôi kêu gọi những tàu cá đang đánh bắt ở vùng biển gần đó đến cứu nạn, nhưng ai cũng hoạt động đơn lẻ nên không đến kịp. Cũng may là sau đó tàu bạn được sự trợ giúp kịp thời của tàu Hải quân Việt Nam… ”.

{keywords}
Những mẻ cá lớn được tàu cá đánh bắt khơi xa chuyển về đất liền.
{keywords}
 
Xuất bán cá ngừ đại dương.

Ông Nguyễn Tám, cán bộ ngư nghiệp xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Tam Quan Bắc có đội tàu đánh cá xa bờ gần 500 chiếc, tổng công suất hơn 96.000 CV, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. 

Trước đây, cách khai thác, đánh bắt đơn lẻ khiến những con tàu ra khơi trở nên rất mong manh. Bây giờ thì ổn rồi. Nhờ có sự liên kết, hợp tác thông qua tổ, đội cộng đồng, chẳng những giảm rủi ro, mà còn tăng hiệu quả sản xuất”.

Sức mạnh khơi xa

Đến nay, ngư dân xã Tam Quan Bắc đã thành lập được 82 tổ đoàn kết cộng đồng đánh bắt trên biển với 317 tàu cá với gần 1.500 ngư dân.

Nhờ liên kết bám biển, ngư dân đã tạo được sức mạnh trong khai thác thủy sản, cùng hỗ trợ nhau kịp thời lúc hoạn nạn, sóng gió có nhau. 

Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn chia nhau trách nhiệm vào bờ bán sản phẩm chung cho cả tổ, đội, để giảm thời gian bảo quản, tăng chất lượng sản phẩm, bán được giá hơn; đồng thời khi trở lại ngư trường sẽ mang ra cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho các tàu đang khai thác. 

Cách làm này giúp giảm rủi ro của ngư dân trên biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Ông Phạm Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Tuy mới được thành lập khoảng 3 năm nhưng các tổ đoàn kết ở địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, hầu hết các tổ đều có thu nhập cao nhờ kịp thời thông báo, hỗ trợ nhau về ngư trường khai thác. 

Trong 8 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân xã Tam Quan Bắc đạt 8.021 tấn, tổng giá trị trên 500 tỉ đồng. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương đạt 5.017 tấn tương đương so với cùng kỳ năm 2013”.

{keywords}
Ngư dân can trường nơi biển lớn
{keywords}
 
Tàu cá liên kết, can trường bám biển, giữ biển đảo

Đặc biệt, khi hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân đã mang tính cộng đồng thì sức mạnh tập thể được hình thành, cùng nhau ứng phó với mọi rủi ro, kịp thời hỗ trợ nhau lúc bị tai nạn. 

Giữa tháng 12/2012, tàu cá của ông La Sưởng, ở thôn Công Thạnh (xã Tam Quan Bắc đang khai thác tại ngư trường Trường Sa thì bất ngờ bị phá nước, tàu trôi tự do, hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt. Bản thân ông Lê Sưởng bị thương gãy chân.

Sau khi phát hiện tàu của ông Sưởng mất tích, các tàu thành viên trong tổ đoàn kết đã phân công đi tìm để cứu hộ. Qua một ngày tìm kiếm, 2 tàu trong tổ đã phát hiện, cứu hộ và lai dắt tàu của ông Sưởng vào bờ an toàn.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành, chủ tàu cá, tổ trưởng một tổ đoàn kết ở xã Tam Quan Bắc, tâm sự: “Nhờ thành lập các tổ đoàn kết trên biển mà anh em ngư dân rất yên tâm khi bám biển khai thác và đùm bọc nhau lúc bị ốm đau, tai nạn trên biển, hiệu quả đánh bắt cũng cao hơn…”.

Ngư dân Hoài Nhơn đều cho rằng, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, cùng với sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng, bà con quyết không rời biển dù trước áp lực nào.

Các tổ liên kết luôn đi thành đoàn, tốp; khi đánh bắt giữ cự ly gần để sẵn sàng hỗ trợ nhau. 

Nhiều khi ra khơi gặp tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của ta, cậy thế tàu sắt to lớn, uy hiếp, các tàu ta đồng loạt lên máy bộ đàm thông tin cho nhau, và khẳng định ta đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ cho tàu bị uy hiếp. 

Thấy tàu cá Việt Nam có sự đoàn kết, kiên quyết, các tàu cá Trung Quốc cũng dè chừng, bớt manh động hơn.

Tiếp tục “nối vòng tay” cùng ngư dân

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, từ một vài tổ, đội liên kết ban đầu, đến nay, các địa phương ven biển trong tỉnh đã thành lập được 318 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với tổng số tàu cá tham gia 1.144 tàu; mỗi tàu cá có từ 7-13 ngư dân. 

Trong đó, huyện Hoài Nhơn có số tổ, đội đoàn kết được thành lập đông nhất, gồm 217 tổ, đội với 712 tàu. 

Đáng chú ý, các tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản đã lập nên những đội tàu cá mạnh, vươn ra khai thác thủy sản tại các ngư trường xa bờ như Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1… để đánh bắt cá ngừ đại dương, câu mực..., mang lại hiệu quả cao, và góp phần bảo vệ lãnh hải quốc gia.

Từ đầu năm đến nay, đã có 243 thiết bị công nghệ Movimar (thiết bị quan sát tàu cá qua vệ tinh) được lắp đặt cho các tàu khai thác xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh. 

Huyền Trang